Khi gặp người lạ, cô Junko Tsuchiyagaito thường không giới thiệu mình đang học ngành hóa. Cô không có ý che giấu nhưng cũng không sẵn lòng tiết lộ điều này.
Kém tao nhã và hấp dẫn
Bản thân sinh viên 23 tuổi này cho rằng phụ nữ theo đuổi khoa học thường kém tao nhã và kém hấp dẫn hơn nữ sinh viên ngành xã hội. “Người ta thường tưởng tượng hình ảnh nữ sinh viên khoa học là tóc tai rối bời và không biết chăm chút ngoại hình. Cánh mày râu cũng không cho rằng họ dễ thương” - cô lý giải.
Nữ sinh viên 23 tuổi Ai Takaoka, đang học ngành khoa học sinh thái tại Đại học Đô thị Tokyo, cũng nghĩ vậy. Cô chia sẻ với báo The New York Times: “Đàn ông không thích bị phụ nữ đánh bại bằng những lập luận logic”. Trong khi đó, Hitomi Hayashibara, nữ sinh viên ngành hóa học hữu cơ và tổng hợp tại trường này, tin rằng bằng cấp cao trong lĩnh vực khoa học có thể trở thành rào cản hôn nhân cho nữ giới, nhất là trong trường hợp người bạn đời tương lai có học vấn hoặc địa vị xã hội thấp hơn. Hayashibara tâm sự may mà cô có bạn trai biết thông cảm nhưng không phải đàn ông nào cũng thế.
Nỗi lo nói trên là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ phụ nữ theo học các ngành khoa học, kỹ thuật tại đại học ở Nhật Bản chỉ chiếm 14% - theo Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật. Con số này quá khiêm tốn nếu so với 66% sinh viên nữ chọn các ngành xã hội nhân văn.
Chính phủ lo ngại
Chính phủ Nhật Bản đặc biệt lo ngại trước thực trạng số nữ học giả và nhà nghiên cứu trong nước chỉ chiếm 13%, thấp hơn các nước châu Âu, Mỹ và Hàn Quốc. Đối với ngành khoa học và kỹ thuật, tỉ lệ nói trên lần lượt giảm còn 6,5% và 2%. Trong nỗ lực cải thiện tình hình, từ năm 2008, Tokyo đã bắt đầu các chương trình khích lệ phụ nữ theo học ngành cũng như tham gia nghiên cứu khoa học.
“Với tình trạng dân số ngày càng giảm, chúng ta cần chú trọng khai thác khả năng của phụ nữ để đào tạo ra các kỹ sư giỏi” - ông Toshio Maruyama, Phó Giám đốc điều hành giáo dục và các vấn đề quốc tế tại Viện Công nghệ Tokyo (TiTech), cho biết. Ủng hộ hướng đi này, Miki Hasegawa, giáo sư hóa học tại Trường Đại học Aoyama Gakuin, nhận định nam sinh ngành khoa học thường có thành tích khá tốt nhưng chính nữ sinh mới sở hữu tài năng vượt bậc và dễ dàng kiếm được việc làm sau khi ra trường.
Không riêng gì TiTech, các trường đại học khác cũng đang đẩy mạnh tuyển sinh viên nữ vào những ngành khoa học, kỹ thuật bằng cách tổ chức các buổi hội thảo và tham quan cho cả nữ sinh lẫn phụ huynh, thậm chí còn có cả những tạp chí dành riêng cho phụ nữ trẻ quan tâm đến khoa học.
Bình luận (0)