Tham dự cuộc họp trên có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Anh William Hague và những người đồng cấp đến từ Ai Cập, Pháp, Đức, Ý, Jordan, Qatar, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) cùng các nhà lãnh đạo phe đối lập Syria.
Theo ông Hague, hội nghị tại London nhằm thuyết phục các phe phái nổi dậy ở Syria đưa ra “lập trường thống nhất” tại hội nghị Geneva 2.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết các bên nhất trí hối thúc Liên minh Dân tộc Syria đối lập tham gia Geneva 2. Hiện Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), thành viên chủ chốt trong Liên minh Dân tộc Syria, vẫn từ chối tham gia Geneva 2 nếu có sự góp mặt của các nhân vật trong chính quyền Damascus.
Hội nghị "Những người bạn Syria" tại London ngày 22-10. Ảnh: AP
Theo các nhà phân tích, phương Tây đang lo lắng trước việc các phần tử cực đoan có liên hệ với al-Qaeda đang dần chiếm ưu thế trong phong trào nổi dậy ở Syria. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói với đại diện phe nổi dậy Syria tại cuộc họp: “Giành thắng lợi trên chiến trường có thể mất nhiều thời gian và sinh mạng hơn so với chiến thắng trên bàn đàm phán”.
Nga, đồng minh chủ chốt của Syria, không có mặt tại London hôm 22-10 với lý do những hội nghị kiểu này không đại diện cho tất cả nhân dân Syria. Còn Iran, tuy chưa có vai trò nào tại Geneva 2 song Ngoại trưởng Hague cho đài BBC hay ông đang cố gắng tận dụng mối quan hệ ngoại giao khởi sắc với Tehran để thúc đẩy nước này đóng vai trò “mang tính xây dựng hơn”.
Cũng trong ngày 22-10, trưởng phái đoán tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria của Liên Hiệp Quốc, bà Sigrid Kaag, cho biết chính phủ của ông Assad đang “hợp tác đầy đủ”. Nhiều nhà phân tích cho rằng ông Assad đang tận hưởng nhiều lợi thế hơn so với mấy tháng trước nhờ quyết định để quốc tế tiêu hủy vũ khí hóa học. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Kerry nhấn mạnh: “Xóa sổ vũ khí hóa học không có nghĩa là chấm dứt được cuộc khủng hoảng Syria”.
Chính quyền Damascus chỉ còn 4 ngày nữa để kê khai toàn bộ kho và cơ sở vũ khí hóa học cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW). Mỹ đã chuyển 10 xe bọc thép từ căn cứ Andrews ở Lebanon đến Syria để hỗ trợ các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc và OPCW làm việc. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tính đến nay nước này đã chi tổng cộng 6 triệu USD để góp sức phá hủy vũ khí hóa học ở Syria, riêng chi phí vận chuyển số xe bọc thép trên là 1,55 triệu USD.
Tính đến ngày 21-10, OPCW đã kiểm tra được 17 trên 45 cơ sở vũ khí hóa học của Syria. Tổ chức này hy vọng thanh sát xong vào ngày 27-10.
Bình luận (0)