Bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, các Bộ trưởng Ngoại giao của nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) tuyên bố sẽ "theo đuổi các biện pháp trừng phạt có mục tiêu hơn nữa và cam kết duy trì sức ép kinh tế và chính trị đối với Nga".
Các bộ trưởng G-7 lên án kế hoạch tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân nhằm sáp nhập 4 khu vực ở miền Đông Ukraine vào Nga. Ảnh: New York Times
Trong khi đó, ông Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cho biết sau cuộc họp khẩn của các Bộ trưởng Ngoại giao EU hôm 21-9: "Chúng tôi sẽ nghiên cứu và áp dụng các biện pháp hạn chế mới dành cho cả cá nhân và lĩnh vực kinh tế Nga".
Tuy nhiên, ông Borrell từ chối cung cấp thêm chi tiết về loại trừng phạt hoặc hỗ trợ quân sự bổ sung của EU. Ông chỉ cho biết quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra tại một phiên họp chính thức tiếp theo vào giữa tháng 10.
Các bộ trưởng G-7 từ Canada, Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh, cũng như nhà ngoại giao hàng đầu của EU, cũng chỉ trích kế hoạch tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân nhằm sáp nhập 4 khu vực ở miền Đông Ukraine vào Nga.
Các bộ trưởng đã lặp lại cam kết được đưa ra vào đầu tháng 9 nhằm "hoàn thành các bước chuẩn bị cuối cùng" cho việc áp đặt giá trần đối với dầu Nga. Họ cũng kêu gọi Nga trao lại cho Ukraine quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, vốn là mục tiêu của các cuộc không kích trong những tuần gần đây.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu họp khẩn sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra hồi tháng 2. Ảnh: Reuters
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với tạp chí Newsweek hôm 21-9, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã đưa ra nhiều cáo buộc với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, liên quan đến xung đột Nga - Ukraine cũng như quan hệ giữa Moscow và Washington.
"Những người mà chúng tôi cho là đối tác kinh tế đáng tin cậy đã chọn các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp và đơn phương cắt đứt quan hệ kinh doanh" - ông Lavrov nói với Newsweek khi đề cập đến Mỹ và EU.
Ông Lavrov nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt là con dao hai lưỡi, bởi vì giá cả tăng và thu nhập giảm ở nhiều nước châu Âu, kéo theo đó là tình trạng thiếu năng lượng và các mối đe dọa của biến động xã hội.
Ông Lavrov cho biết giá cả năng lượng phải chăng của Nga đã giúp ngành công nghiệp EU cạnh tranh với các công ty Mỹ, nhưng "có vẻ như điều này sẽ không còn nữa, và đó không phải là lựa chọn của chúng tôi".
Bình luận (0)