Chiếc xe bom nhằm vào một đoàn xe quân sự ở thị trấn Lice, tỉnh Diyarbakir, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối ngày 25-7 (giờ địa phương). Đây là khu vực có đông người Kurd sinh sống.
Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm nhưng theo đài BBC, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói các chiến binh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) còn phục kích binh lính của họ và khẳng định đang tiến hành chiến dịch lớn để truy bắt những kẻ tấn công.
Vụ tấn công xảy ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ném bom các trại của người Kurd ở miền Bắc Iraq ngày thứ ba liên tiếp. Sau các đợt không kích hôm 25-7, PKK đe dọa phá vỡ lệnh ngừng bắn kéo dài 2 năm qua. PKK và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đàm phán hòa bình từ năm 2012.
Trong một tuyên bố, PKK lên án "cuộc chiến tranh xâm lược" của Thổ Nhĩ Kỳ và thề sẽ "kháng cự". PKK cho rằng việc ném bom vào các mục tiêu ở miền Bắc Iraq là "sai lầm quân sự và chính trị nghiêm trọng nhất" mà chính quyền Ankara phạm phải.
Kể từ sau vụ đánh bom liều chết khiến 32 người thiệt mạng ở thị trấn Suruc gần biên giới Syria hôm 20-7, tình hình Thổ Nhĩ Kỳ rất căng thẳng. Trước nghi vấn nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) đứng sau vụ đánh bom ở Suruc, Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên không kích IS ở Syria hôm 24-7 và sau đó ném bom luôn PKK ở Iraq.
Ở Ankara và Istanbul đang nổ ra nhiều cuộc biểu tình và đụng độ với cảnh sát. Những người biểu tình cho rằng chính phủ không bảo vệ được người dân. Trong khi đó, người Kurd giết chết 2 cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ hôm 22-4 với cáo buộc cảnh sát thông đồng với IS đánh bom ở Suruc.
Chính quyền TP Istanbul đã cấm một cuộc tuần hành lẽ ra tổ chức vào ngày 26-7 để lên án vụ tấn công Suruc. Họ lo ngại “các nhóm ngoài pháp luật lợi dụng để kích động tình hình”.
Mỹ kêu gọi cả 2 bên tránh bạo lực song nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tự vệ trước các cuộc tấn công của lực lượng người Kurd. Cả Washington và Ankara xem PKK là khủng bố.
Bình luận (0)