Ba đảng đối lập của Puerto Rico, trong đó có chính đảng đối lập, gọi cuộc trưng cầu dân ý mới nhất là một thất bại. Cựu thống đốc Puerto Rico, ông Alejandro Garcia Padilla, khẳng định phe tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý đã đánh bại phe ủng hộ Puerto Rico thành một tiểu bang.
Chỉ 23% người dân Puerto Rico tham gia cuộc trưng cầu ý dân nêu trên. Đây là tỉ lệ tham gia thấp nhất mà một cuộc bỏ phiếu ở Puerto Rico nhận được kể từ năm 1967, theo ông Carlos Vargas Ramos – một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Puerto Rico ở Trường ĐH Hunter (New York).
Kết quả trưng cầu ý dân hôm 11-6 cho thấy hơn 500.000 người bỏ phiếu muốn Puerto Rico thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ, gần 7.800 người muốn Puerto Rico thành vùng lãnh thổ độc lập và 6.800 người muốn giữ nguyên hiện trạng của Puerto Rico.
Kết quả cuộc trưng cầu ý dân mới nhất cho thấy hơn 500.000 người bỏ phiếu muốn Puerto Rico thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ. Ảnh: AP
Ông Ramos còn cho biết rằng số người muốn Puerto Rico trở thành tiểu bang trong năm nay ít hơn so với năm 2012. "Phe ủng hộ Puerto Rico trở thành tiểu bang có vẻ như không còn mặn mà như 5 năm trước" – ông Ramos cho hay.
Dẫu vậy, ông Rossello tuyên bố sẽ thiết lập một ủy ban để yêu cầu quốc hội Mỹ công nhận Puerto Rico là một tiểu bang. "Mỹ phải tuân theo nguyện vọng của người dân" - ông Rossello khẳng định.
Giới chuyên gia nhận định quốc hội Mỹ nhiều khả năng sẽ không chấp nhận kết quả cuộc trưng cầu ý dân hôm 11-6. Trong 3 cuộc trưng cầu đầu tiên, số lượng người bỏ phiếu muốn Puerto Rico thành một tiểu bang không chênh lệch nhiều so với số lượng người muốn vùng lãnh thổ này giữ nguyên hiện trạng.
Trong cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2012, 54% người bỏ phiếu nói rằng họ muốn thay đổi hiện trạng của Puerto Rico. Tuy nhiên, chỉ 61% trong số này khẳng định họ muốn Puerto Rico trở thành một tiểu bang. Do đó, kết quả này không được công nhận.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý mới nhất nhiều khả năng sẽ "chung số phận" với cuộc trưng cầu dân ý năm 2012, theo ông Ramos.
Thống đốc Puerto Rico, ông Ricardo Rossello. Ảnh: Reuters
Cuộc trưng cầu dân ý hôm 11-6 diễn ra vào dịp kỷ niệm 100 năm Mỹ công nhận quốc tịch của người dân Puerto Rico.
Dẫu vậy, cử tri Puerto Rico vẫn chưa được tham gia bầu cử tổng thống và chỉ có duy nhất một nghị sĩ đại diện với quyền bỏ phiếu hạn chế. "Chúng ta đã được công nhận quốc tịch 100 năm nay nhưng quốc tịch của chúng ta chỉ là quốc tịch hạng 2" – ông Rossello nhấn mạnh.
Puerto Rico được miễn thuế thu nhập liên bang nhưng vẫn phải đóng phí bảo hiểm xã hội, chăm sóc y tế và đóng các khoản thuế địa phương.
Puerto Rico nhận được ít ngân sách liên bang hơn so với các tiểu bang.
Gần 500.000 cư dân Puerto Rico đã rời khỏi hòn đảo này vì cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài 10 năm và tỉ lệ thất nghiệp cao.
Bình luận (0)