Bộ trưởng al-Kaabi khẳng định quyết định của Qatar không ảnh hưởng nghiêm trọng đến OPEC bởi lượng dầu mỏ mà quốc gia của ông sản xuất thuộc hàng thấp nhất OPEC, không là gì nếu so với 11 triệu thùng/ngày của Ả Rập Saudi nói riêng và của 14 thành viên còn lại nói chung.
Kể từ năm 2013, Qatar liên tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ, từ khoảng 728.000 thùng/ngày vào năm 2013 còn khoảng 607.000 thùng/ngày năm 2017 - chiếm chưa đến 2% tổng lượng dầu mỏ sản xuất bởi OPEC.
Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi tuyên bố quốc gia của ông rút khỏi OPEC để tập trung sản xuất khí đốt Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, dù bị phong tỏa bởi Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Ai Cập từ tháng 6-2017 song Qatar khẳng định chính trị không phải là lý do khiến họ bỏ lại sau lưng 57 năm làm thành viên OPEC.
Thay vào đó, ông al-Kaabi tuyên bố Qatar chỉ muốn tập trung vào các chính sách gia tăng ảnh hưởng quốc tế và có lợi về lâu dài, đặc biệt là chiến lược phát triển ngành công nghiệp khí hóa lỏng (LNG) vốn là thế mạnh của họ.
Hiện tại, Qatar là quốc gia sản xuất LNG lớn nhất thế giới với 77 triệu tấn/năm, chiếm gần 30% tổng lượng LNG sản xuất hằng năm của thế giới, và muốn nâng con số này lên 110 triệu tấn/năm vào năm 2024.
Liên quan đến thị trường dầu mỏ, theo Reuters, giá dầu hôm 3-12 đã tăng 4% sau khi Mỹ và Trung Quốc quyết định tạm "đình chiến" thương mại trong ít nhất 90 ngày để giải quyết các bất đồng. Mặc dù dầu thô không có tên trong danh sách các sản phẩm bị Mỹ và Trung Quốc áp thuế song các nhà giao dịch cho rằng việc 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới hòa hoãn tạm thời cũng giúp thị trường dầu thô chuyển động tích cực.
Bình luận (0)