Trả lời điện thoại với AFP, Đại tá Riyadh al-Asaad nói: “Chúng tôi không muốn quân đội nước ngoài đặt chân vào Syria như đã từng xảy ra với Iraq, nhưng chúng tôi cần cộng đồng quốc tế hỗ trợ hậu cần. Chúng tôi cũng muốn nhận được sự bảo vệ của quốc tế bằng cách thiết lập vùng cấm bay, vùng đệm và không kích các mục tiêu chiến lược của quân chính phủ”.
Xe bọc thép của chính phủ Syria chốt ở Hula, gần Homs, ngày 24-11. Ảnh: Reuters
Quân đội Syria tự do (FSA) bao gồm những binh sĩ đào ngũ khỏi quân chính phủ Syria, hiện đã lên đến con số 20.000 người. Người đứng đầu, Đại tá Asaad, hiện đang lưu vong ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố “sẽ chiến đấu kiên định để giải phóng nhân dân và đánh sập chế độ của Tổng thống Assad”, đồng thời cáo buộc chính phủ Syria đưa lính đánh thuê thuộc tổ chức Hezbollah của Lebanon vào trợ chiến.
Ngược lại, thủ lĩnh của nhóm đối lập chính ở Syria – Hội đồng Quốc gia Syria – tuyên bố không muốn FSA tiếp tục tấn công lực lượng của Tổng thống Assad do lo ngại biểu tình chống chính phủ biến thành nội chiến.
Thay mặt cho Hội đồng Quốc gia Syria - ông Burhan Ghaliun – khuyên FSA nên tránh xung đột trực diện với quân chính phủ: “Chúng tôi muốn FSA bảo vệ những binh sĩ rời khỏi hàng ngũ quân chính phủ cũng như các cuộc biểu tình hơn là chủ động tấn công quân đội”.
Biểu tình ủng hộ Tổng thống Assad ở Damascus. Ảnh: AFP
Liên đoàn Ả Rập ra tối hậu thư
Trong cuộc họp ngày 24-11 tại Cairo - Ai Cập, Liên đoàn Ả Rập (AL) tiếp tục đặt thời hạn chót cho Syria trong ngày 25-11 phải ký vào nghị định thư cho phép các quan sát viên tới quốc gia này. Đồng thời, lần đầu tiên AL nhất trí kêu gọi Liên Hiệp Quốc hỗ trợ AL giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.
Theo đại diện của Ai Cập tại AL, ông Abdel Wahab, nếu Syria không ký thỏa thuận này, Hội đồng Kinh tế và Xã hội (cấp bộ trưởng) của AL sẽ họp vào ngày 26-11 để thảo luận các biện pháp trừng phạt kinh tế, trong đó có thể đình chỉ các chuyến bay thương mại tới Syria và dừng các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Syria.
Trước đó, Ngoại trưởng Iraq Hoshiyar Zebari ngày 24-11 cho biết Syria đã chấp thuận đề xuất của AL về cử một phái đoàn quan sát viên tới Syria tìm hiểu tình hình thực tế sau 8 tháng bạo loạn.
Biểu tình ủng hộ cải cách bên ngoài cuộc họp của Liên đoàn Ả Rập ở Cairo ngày 25-11. Ảnh: AFP
Các vụ đụng độ mới nhất ngày 24-11 đã làm 33 người thiệt mạng. Theo ước tính của Liên Hiệp quốc, hơn 3.500 người đã thiệt mạng tại Syria kể từ khi làn sóng biểu tình đòi Tổng thống Assad từ chức bùng phát hồi tháng 3.
Bình luận (0)