Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức an ninh Algeria cho biết lực lượng đặc nhiệm nước này đã cứu được hàng trăm con tin nhưng khoảng 30 người, bao gồm 7 người nước ngoài (Anh, Pháp, Nhật), đã thiệt mạng cùng ít nhất 11 tay súng Hồi giáo cực đoan.
Còn hãng thông tấn APS của Algeria cho biết gần 600 con tin nước này và 4 con tin người nước ngoài (gồm hai người Anh, một người Pháp và một người Kenya) đã được giải thoát. Theo tạp chí Afrique, gần một nửa số con tin người nước ngoài đã được giải thoát, nhưng không đưa ra con số chính xác.
Nhà máy xử lý khí đốt Tiguentourine nằm gần biên giới Libya. Ảnh: Google Earth
Đây là liên doanh giữa BP (Anh), Staoil (Na Uy) và Sonatrach (Algeria). Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Bộ trưởng Truyền thông Algeria Mohamed Said cho biết "nhiều người" đã thiệt mạng hoặc bị thương và một "số lượng lớn" con tin đã chạy thoát được khỏi nhà máy Tiguentourine - một liên doanh giữa tập đoàn BP của Anh, Statoil của Na Uy và Sonatrach của Algeria. Bộ trưởng Said nói khi nhóm khủng bố chuẩn bị bỏ chạy mang theo con tin, lực lượng đặc nhiệm Algeria đã được lệnh tấn công.
Một kỹ sư Ireland thoát chết tên Stephen McFaul kể với Reuters rằng ông nhìn thấy 4 chiếc xe tải chở đầy con tin bị nổ tung dưới đòn tấn công của quân đội Algeria. “Các tay súng dồn con tin lên 5 xe tải và lái đi thì bị quân đội Algeria chặn lại. 4 chiếc xe bị hủy diệt, những người trên xe có lẽ đều thiệt mạng” – ông McFaul nói và cho biết thêm không rõ loại vũ khí gì đã được sử dụng: tên lửa bắn từ trực thăng hay từ mặt đất.
Kỹ sư Stephen McFaul kể 4 xe chở con tin nổ tung do bị quân đội Algeria tấn công. Ảnh: Reuters
Trước đó, những kẻ bắt cóc có quan hệ với al-Qaeda tự xưng là “Tiểu đoàn máu” đã tấn công nhà máy trên, bắt giữ con tin với đòi hỏi Pháp phải chấm dứt chiến dịch ở Mali. Sau cuộc giải cứu, Tiểu đoàn Máu tuyên bố các cuộc không kích và tấn công bộ binh của quân đội Algeria vào nhà máy đã làm 34 con tin thiệt mạng.
Vụ việc làm dấy lên nỗi lo ngại thực sự về khả năng bảo vệ các công ty năng lượng nước ngoài đang hoạt động tại Algeria trong bối cảnh các chiến binh Hồi giáo đang đẩy mạnh trả đũa vụ quốc tế, dẫn đầu là Pháp, can thiệp vào nước Mali láng giềng.
Vốn có quan hệ không mấy tốt đẹp với Pháp và các nước châu Âu khác, Algieria sẽ phải vất vả giải thích về chiến dịch giải cứu tranh cãi này cũng như con số thương vong chính xác.
Pháp tuyên bố sự kiện ở Algeria không ảnh hưởng đến chiến dịch ở Mali. Ảnh: Reuters
Dù vậy, Pháp tuyên bố sự kiện ở Algeria sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch ở Mali. Tính đến ngày 17-1 đã có 1.400 lính Pháp đặt chân đến Mali. Cùng ngày 17-1, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí triển khai một phái bộ quân sự khoảng 450 - 500 người để giúp huấn luyện và tái cơ cấu quân đội Mal nhưng không tham chiến.
Bình luận (0)