Các nhân chứng người Algeria ngày 20-1 cho biết 9 con tin người Nhật Bản đã bị bọn bắt cóc sát hại trong khi chính phủ Tokyo tuyên bố còn 10 người nước này mất tích. Cùng ngày, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết 3 công dân nước này được xác nhận đã thiệt mạng và còn 4 người khác mất tích. Cũng trong ngày 20-1 có thêm 5 tên bắt cóc bị bắt.
Cùng ngày, trang tin tức Sahara Media của Mauritania đăng tải một đoạn video cho biết nghi phạm chủ mưu vụ việc - Mokhtar Belmokhtar - đã lên tiếng nhận trách nhiệm, đồng thời kêu gọi Pháp ngừng không kích tại Mali. Belmokhtar từng là kẻ cầm đầu chi nhánh al-Qaeda ở Bắc Phi.
Theo Sahara Media, trong đoạn video nói trên, Belmokhtar tuyên bố: "Chúng tôi nhân danh al-Qaeda thông báo chiến dịch thần thánh này. Chúng tôi đã sẵn sàng thương lượng với phương Tây và chính phủ Algeria với điều kiện họ ngừng ném bom người Hồi giáo tại Mali".
Các con tin bị ngồi sát vào tường nhà máy. Ảnh: Reuters
Mokhtar Belmokhtar trong bản tin đăng trên Sahara Media. Ảnh: Reuters
Vụ khủng hoảng con tin kéo dài 4 ngày (từ 16 đến 19-1) đã kết thúc với các cuộc tấn công không khoan nhượng của quân đội Algeria. Được xem là một trong những vụ bắt cóc con tin tồi tệ nhất nhiều thập kỷ qua, các nạn nhân thuộc các quốc tịch Mỹ, Anh, Nhật, Na Uy, Romania.
Ngày 19-1, giới chức Algeria công bố thống kê sơ bộ, trong đó có 23 con tin thiệt mạng cùng với 32 tay súng bị tiêu diệt. Họ cũng khẳng định chiến dịch tấn công được tiến hành khi bọn bắt cóc bắt đầu giết các con tin nước ngoài.
Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.
Nguồn: Reuters
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đã lên án “hành động khủng bố” gây ra cái chết của các con tin, còn Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi vụ bắt cóc con tin là “hành động gây chiến”.
Trực thăng của quân đội Algeria tham gia giải cứu con tin. Ảnh: Reuters
Khói bốc lên từ nhà máy Tighentuarin sau các đợt tấn công của quân đội. Ảnh: Reuters
Trong khi các lãnh đạo phương Tây công kích vụ bắt cóc, Bộ trưởng Năng lượng Algeria Youcef Yousfi cam kết sẽ tăng cường an ninh tại các cơ sở năng lượng mà không cần bên ngoài hỗ trợ. Ông Yousfi cũng nói nhà máy Tighentuarin sẽ hoạt động lại sau 2 ngày nữa.
Tuy nhiên, hàng chục công nhân người Philippines làm việc cho một cơ sở năng lượng của Anh cách nhà máy Tighentuarin hàng trăm km đã trở về nước ngày 20-1 do lo sợ an ninh không đảm bảo.
Bình luận (0)