Tuy nhiên, tờ Navy Times hôm 6-4 cho biết nỗ lực này của ông vấp phải rào cản từ Nhà Trắng.
Theo một số nguồn tin, Đô đốc Harris muốn Washington phản ứng mạnh mẽ hơn đối với hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Bắc Kinh ở biển Đông, trong đó có thể bao gồm việc đưa máy bay, chiến hạm tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo này. Đây là một phần kế hoạch nhằm ngăn Trung Quốc xây “Vạn lý trường thành” bằng cát ở biển Đông, theo lời ông Harris.
PACOM trong những tháng qua liên tục vạch trần những hành động sai trái của Bắc Kinh ở biển Đông, bao gồm việc quân sự hóa vùng biển này.
Tuy nhiên, Tổng thống Barack Obama đang muốn làm việc với Trung Quốc để xử lý một loạt vấn đề khác, từ ngăn chặn vũ khí hạt nhân cho đến thương mại, trong 9 tháng còn lại của nhiệm kỳ. Vì thế, Washington không muốn biển Đông ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu này.
“Họ muốn kết thúc nhiệm kỳ với phiền phức tối thiểu và sự hợp tác tối đa với Trung Quốc” - ông Jerry Hendrix, nhà phân tích chiến lược quốc phòng tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, giải thích.
Một số người chỉ trích cách tiếp cận vấn đề biển Đông hiện nay của Nhà Trắng đã thất bại, thể hiện qua việc Trung Quốc không ngừng khiêu khích ở đó. “Nỗi e sợ rủi ro của Nhà Trắng đã dẫn đến một chính sách không dứt khoát, từ đó không ngăn được Trung Quốc theo đuổi sự bá quyền trên biển nhưng lại khiến các đồng minh, đối tác trong khu vực bối rối, lo lắng” - thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nhận định.
Dù vậy, tình hình có thể thay đổi trong trường hợp bà Hillary Clinton kế nhiệm ông Obama. Trong phát biểu được xem là mạnh mẽ nhất nhằm vào Trung Quốc kể từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử, cựu ngoại trưởng Mỹ hôm 6-4 cam kết sẽ cứng rắn với Trung Quốc nếu bà được bầu làm tổng thống. “Tổng thống Mỹ tiếp theo phải hiểu rõ chiêu trò của Bắc Kinh và sẵn sàng ngăn chặn nước này” - bà Clinton nhấn mạnh.
Tại Đông Nam Á, Indonesia đang tăng cường hiện diện quân sự ở biển Đông do lo ngại tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Vùng đặc quyền kinh tế của Jakarta bị “đường lưỡi bò” phi pháp của Bắc Kinh liếm vào, trong khi tàu tuần tra Indonesia và tàu hải cảnh Trung Quốc vừa đụng độ trên vùng biển gần quần đảo Natuna.
Tạp chí Jane’s Defense hôm 6-4 cho biết Jakarta đang có kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Skyshield do Thụy Sĩ chế tạo ở Natuna. Bốn đơn vị không quân vận hành hệ thống này sẽ được triển khai trên đảo Pulau Natuna Besar, gần căn cứ quân sự Ranai.
Ngoài ra, theo báo Nikkei ngày 7-4, quân số Indonesia đóng tại quần đảo trên sẽ được tăng gấp đôi trong năm nay. Quân đội nước này còn có kế hoạch mở rộng một sân bay và một cảng hải quân để phục vụ hoạt động trên quần đảo.
Bình luận (0)