Việc sử dụng máy bay không người lái (UAV) trong cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan gần đây cho thấy mối đe dọa từ trên không thời hiện đại đã tăng cao trong những năm gần đây.
Các vụ đụng độ kéo dài 6 tuần giữa Armenia và Azerbaijan liên quan đến khu vực tranh chấp Karabakh khiến gần 6.000 binh sĩ và dân thường của cả 2 bên thiệt mạng, trong khi hàng trăm khí tài quân sự bị phá hủy.
Góp phần gây ra hậu quả thảm khốc nói trên là những chiếc UAV của Azerbaijan. Chúng thực hiện các đợt tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu của Armenia, đồng thời khơi lại cuộc tranh luận về tương lai của xe tăng.
Dù quân đội Mỹ không tham gia cuộc chiến này nhưng họ có lý do để lo ngại vì đã thu hẹp kho vũ khí phòng không sau chiến tranh lạnh và giờ đây đang phải tái xây dựng nó để chống lại các mối đe dọa mới.
Kho vũ khí phòng không
Liên Xô cũ sụp đổ làm giảm khả năng xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc. Khi không còn các mối đe dọa nghiêm trọng trên không, quân đội Mỹ đã loại bỏ nhiều hệ thống phòng không (AA) và chuyển nguồn lực đi nơi khác.
Vì vậy, kho vũ khí phòng không của Mỹ, đặc biệt là các nền tảng AA trên mặt đất như hệ thống phòng không tầm ngắn (SHORAD), bị thu hẹp. Ba trong số các hệ thống AA trên mặt đất chính của quân đội Mỹ - MIM-23 Hawk, MIM-72 Chaparral và M163 VADS - được cho ngừng hoạt động từ năm 1991-1998. Từ năm 2004-2018, quân đội Mỹ cũng giảm số lượng tiểu đoàn SHORAD từ 26 xuống còn 9 tiểu đoàn.
Hệ thống MIM-72 Chaparral. Ảnh: Quân đội Mỹ
Tên lửa FIM-92 Stinger được bắn từ căn cứ không quân Eglin, bang Florida - Mỹ. Ảnh: Không quân Mỹ
Năm 2004, hệ thống AA bọc thép cuối cùng của quân đội Mỹ là M6 Linebacker dần bị loại bỏ. Hiện tại, quân đội Mỹ chỉ còn hệ thống phòng không di động vác vai (MANPAD) Stinger, AN/TWQ-1 Avenger, MIM-104 Patriot và Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Trong đó, Stinger và AN/TWQ-1 Avenger có thể chống lại máy bay ở khoảng cách 3 km. Còn MIM-104 Patriot và THAAD có thể đánh chặn máy bay và tên lửa ở khoảng cách lần lượt là 22 km và 150 km.
Nhanh hơn và rẻ hơn
Máy bay chiến đấu của không quân Mỹ được giao nhiệm vụ loại bỏ các mối đe dọa mà các hệ thống AA "bó tay", đặc biệt là máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của đối phương. Chúng đã làm tốt nhiệm vụ khi đối đầu với các lực lượng không quân được đánh giá là kém hơn rất nhiều của Iraq, Libya, Syria… Tuy nhiên, các mối đe dọa đang thay đổi.
"Nhìn chung, khả năng chống lại máy bay đối phương của chúng tôi là rất tốt. Nhưng mối đe dọa trên không lớn nhất trong tương lai không phải là máy bay chiến đấu - ném bom của đối phương mà là UAV và tên lửa hành trình" - cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (SCIS) kiêm cựu đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ Mark Cancian nói với trang Business Insider.
Hồi tháng 1-2020, Iran phóng hơn 12 tên lửa hành trình vào 2 căn cứ của Iraq có quân nhân Mỹ đồn trú. Không có tên lửa nào bị bắn hạ hoặc bị đánh chặn. Hậu quả, hơn 100 quân nhân bị chấn thương não nhẹ.
Các binh sĩ Mỹ đứng gần nơi bị tên lửa Iran phá hủy tại căn cứ không quân Ain al-Asad ở Iraq ngày 13-1-2020. Ảnh: AP
UAV và tên lửa hành trình ngày càng được thiết kế nhỏ hơn, giá thành rẻ hơn và hoạt động ở độ cao thấp hơn máy bay phản lực. Điều đó giúp đối phương dễ dàng sử dụng chúng với số lượng lớn. Hai loại vũ khí này cũng có thể bay rất nhanh - đặc biệt là tên lửa hành trình - khiến việc đánh chặn chúng bằng máy bay chiến đấu của không quân gặp nhiều khó khăn và không khả thi về mặt kinh tế.
Các quan chức quân đội Mỹ cho rằng việc sử dụng một tên lửa Patriot trị giá 3 triệu USD để tiêu diệt một chiếc UAV có giá vài trăm USD không phải là phương án tối ưu về kinh tế, nếu không muốn nói là quá lãng phí.
Sự đầu tư của đối thủ
Trong khi Mỹ hạ cấp các hệ thống AA trên mặt đất thì các đối thủ của họ lại đang làm ngược lại. Bên cạnh các hệ thống phòng không lớn như S-300 và S-400, Nga còn sở hữu một số hệ thống AA trang bị bánh xích và bánh lốp, đáng chú ý nhất là các hệ thống tên lửa Buk và Tor, 2K22 Tunguska và Pantsir S-1. Ngoài tên lửa, 2K22 Tunguska và Pantsir S-1còn tích hợp pháo tự động cỡ nòng 30 mm có thể bắn trúng mục tiêu bay thấp. Chúng cùng nhau tạo thành một lớp phòng thủ đa tầng.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Buk của Nga. Ảnh: Reuters
Nga còn đang phát triển một hệ thống pháo AA mới tên gọi Derivatsiya-PVO. Nó có thiết kế đặc biệt để bắn hạ UAV và tên lửa hành trình, được trang bị pháo chính cỡ nòng 57 mm có khả năng bắn những loại đạn thông minh có thể phát nổ giữa đường bay. Nga tuyên bố các hệ thống AA của mình đã đáp trả hàng chục vụ tấn công bằng UAV vào các căn cứ ở Syria trong năm nay. Dù không phải lúc nào cũng giành chiến thắng nhưng Moscow đang tiếp tục đầu tư vào các hệ thống đó để chiếm lợi thế.
Trung Quốc cũng có một số hệ thống AA trên mặt đất, bao gồm hệ thống AA tầm trung đến tầm xa HQ-9, hệ thống pháo AA tự hành Type 95 và Type 09.
Phòng thủ đa tầng
Việc thiếu hụt các hệ thống AA không có nghĩa là quân đội Mỹ không giải quyết được cái gọi là "khoảng cách tên lửa thời hiện đại". Thực tế thì ngược lại. Nhóm tác chiến phi đối xứng của quân đội Mỹ bắt đầu phát triển hoạt động đào tạo, công nghệ và chiến thuật chống UAV để đối phó với việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sử dụng phương tiện này. Trong khi đó, hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa là một trong những ưu tiên hàng đầu của quân đội Mỹ vào năm 2020 và dự kiến được duy trì trong 4 năm tới.
Hệ thống IM-SHORAD Stryker. Ảnh: Business Insider
Quân đội Mỹ đang trang bị một hệ thống tạm thời mới, IM-SHORAD Stryker, cho nhu cầu phòng không tức thì. Hệ thống IFPC được trang bị tên lửa AIM-9X Sidewinder dự kiến được đưa vào sử dụng trong vài năm tới. Các binh sĩ ở bang Texas cũng đang thử nghiệm hệ thống "Vòm Sắt" của Israel được phát triển theo công nghệ Mỹ như một hệ thống phòng thủ tên lửa hành trình tạm thời.
Các giải pháp lâu dài như súng điện từ, vũ khí năng lượng trực tiếp và công nghệ gây nhiễu cũng được xem xét. Những vũ khí này sẽ mất nhiều thời gian hơn để phát triển và đưa vào sử dụng thực tế. Nhưng rõ ràng, quân đội Mỹ đang ưu tiên phòng không và định chống lại các mối đe dọa từ bầu trời trong tương lai bằng nhiều loại vũ khí khác nhau.
Bình luận (0)