Trong khi đó, một nhà máy do 1 nước láng giềng đầu tư bị phóng hỏa ở thủ đô thương mại Yangon. Chính quyền quân sự cho rằng làn sóng biểu tình đang "phá hủy" Myanmar.
Hôm 7-4, một người dân địa phương nói với Reuters rằng quân đội nổ súng vào người biểu tình ở thị trấn Kale, Tây Bắc Myanmar sau lời yêu cầu khôi phục chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi.
Hai cổng tin tức Mizzima và Irrawaddy cho biết 5 người thiệt mạng và một số người bị thương ở Kale. Hình ảnh 5 thi thể được các nhân chứng chụp lại. Ở thị trấn Bago gần TP Yangon, cổng tin tức Myanmar Now xác nhận 2 người biểu tình đã thiệt mạng.
Người dân biểu tình ở thị trấn Launglon - Myanmar. Ảnh: Reuters
Cùng ngày, hoả hoạn bùng lên tại nhà máy may mặc do nước ngoài đầu tư ở TP Yangon. Sở Cứu hỏa TP Yangon chưa công bố thương vong hay thiệt hại (nếu có).
Hồi tháng trước, 32 nhà máy vốn nước ngoài đầu tư ở TP Yangon bị đốt phá.
Theo thống kê của Hiệp hội tù nhân chính trị (AAPP), 581 người - bao gồm hàng chục trẻ em - đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính hôm 1-2. Làn sóng biểu tình và đình công trên toàn quốc nổ ra kể từ thời điểm đó bất chấp việc quân đội sử dụng vũ lực chết người để trấn áp. Gần 3.500 người đã bị bắt và 2.750 người vẫn đang bị giam giữ.
Tướng Min Aung Hlaing, tư lệnh quân đội Myanmar, lên án các cuộc biểu tình khiến bệnh viện, trường học, đường xá, văn phòng và nhà máy bị gián đoạn hoạt động. "Biểu tình được tổ chức ở các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế không phá hủy các doanh nghiệp nhưng biểu tình trong nước đã phá hủy đất nước".
Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi sau cuộc gặp với người đồng cấp Anh Dominic Raab tại thủ đô Jakarta tuyên bố ông Raab đã thảo luận về khả năng Anh và cộng đồng quốc tế hỗ trợ Đông Nam Á giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar.
Bình luận (0)