Indonesia và Malaysia hôm 5-2 cho biết họ đang yêu cầu ASEAN tổ chức một phiên họp đặc biệt để thảo luận tình hình ở Myanmar, nơi quân đội lên nắm quyền sau cuộc đảo chính vào đầu tháng 2 này.
Sau cuộc tiếp đón Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết các bộ trưởng ngoại giao của họ đã được yêu cầu liên hệ với Brunei - nước giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2021, để thúc đẩy cuộc họp nêu trên. Dù vậy, những cuộc họp như mong muốn của Thủ tướng Yassin và Tổng thống Widodo là hiếm khi xảy ra và không dễ dàn xếp, đặc biệt là khi ASEAN theo đuổi chính sách không can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước thành viên trong khi giải pháp ứng phó với cuộc đảo chính hiện vẫn là một chủ đề gây tranh cãi trong khối.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) hôm 4-2 yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar trả tự do cho lãnh đạo Aung San Suu Kyi cùng những người bị bắt giữ trong cuộc đảo chính, trước khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc "duy trì quy trình và các thể chế dân chủ, tránh bạo lực và tôn trọng nhân quyền, các quyền cơ bản cũng như quy tắc pháp luật".
Sinh viên đến một phiên tòa sau khi bị bắt giữ trong cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở TP Mandalay - Myanmar hôm 5-2 Ảnh: REUTERS
Theo Reuters, ngôn từ trong tuyên bố nêu trên của HĐBA LHQ "mềm mỏng hơn" so với bản thảo ban đầu do Anh biên soạn và cũng không đề cập cụm từ đảo chính. Phái đoàn Trung Quốc - quốc gia có mối quan hệ quân sự và kinh tế sâu rộng với Myanmar, nói rằng Bắc Kinh hy vọng những thông điệp chính trong tuyên bố "có thể được các bên lưu ý và dẫn đến một kết quả tích cực" ở quốc gia Đông Nam Á này.
Cùng ngày, Tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ đang làm việc với các đối tác và đồng minh để giải quyết khủng hoảng chính trị Myanmar, đồng thời yêu cầu quân đội nước này "từ bỏ quyền lực mà họ đã chiếm lấy, trả tự do cho các quan chức và nhà hoạt động mà họ đã bắt giữ, gỡ bỏ các biện pháp hạn chế viễn thông và tránh bạo lực".
Trong một tuyên bố không lâu sau đó, Nhà Trắng cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã điện đàm với các đại sứ ASEAN vào tối 3-2 (giờ địa phương) để thể hiện sự quan ngại sâu sắc của chính quyền Tổng thống Biden đối với những diễn biến ở Myanmar, cũng như để thể hiện sự trân trọng đối với mức độ chú ý mà các nước ASEAN dành cho cuộc khủng hoảng này. Theo ông Sullivan, chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân và thực thể do quân đội Myanmar kiểm soát.
Hiện vẫn chưa rõ các biện pháp trừng phạt này, nếu được triển khai, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các tướng lĩnh Myanmar - những người có ít lợi ích ở nước ngoài để có thể nhắm mục tiêu. Dù vậy, quân đội Myanmar có nhiều lợi ích từ nền kinh tế nội địa và có thể trả giá nếu các công ty nước ngoài quyết định rút đầu tư.
"Gã khổng lồ" đồ uống Kirin Holdings (Nhật Bản) hôm 5-2 tuyên bố sẽ chấm dứt hợp đồng với một tập đoàn Myanmar, sau khi LHQ khẳng định nhóm sở hữu của tập đoàn này bao gồm các thành viên quân đội. Karin Holdings nhấn mạnh cuộc đảo chính đã "làm lung lay nền tảng cốt lõi của quan hệ đối tác".
Trong khi đó, các tổ chức tài chính thế giới cũng đang xem xét lại lập trường của họ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tổ chức đã chuyển 350 triệu USD tiền hỗ trợ chống Covid-19 cho chính phủ Myanmar vài ngày trước đảo chính, mới đây cho biết sẽ xem xét ý kiến của các nước thành viên để quyết định liệu có nên công nhận chính quyền mới hay không.
Bình luận (0)