Thông báo này được đưa ra sau nhiều vụ đụng độ với ít nhất 2 nhóm vũ trang dân tộc thiểu số ở Myanmar, vốn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở các khu vực dọc biên giới.
Theo hãng tin AP, hơn một chục nhóm vũ trang dân tộc thiểu số trong nhiều thập kỷ đã tìm kiếm quyền tự trị lớn hơn từ chính quyền trung ương, đôi khi thông qua vũ lực. Ngay cả trong thời bình, các mối quan hệ cũng căng thẳng.
Các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số ở Myanmar chưa có phản ứng gì trước trước thông báo ngừng bắn trên.
Quân đội được triển khai trên một con đường ở Yangon - Myanmar, ngày 31-3. Ảnh: EPA-EFE
Phong trào chống lại việc quân đội lên nắm quyền hồi ngày 1-2 tập trung kêu gọi nhân viên trong khu vực công và tư ngừng làm việc hỗ trợ bộ máy quân sự. Gần đây, họ liên minh với các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số để tăng cường sức ép lên chính quyền quân sự.
Một số nhóm chính - bao gồm người Kachin ở phía Bắc, người Karen ở phía Đông và nhóm vũ trang tự xưng "Quân đội Arakan" (AA) (với địa bàn hoạt động trải khắp bang Rakhine) ở phía Tây Myanmar - đã công khai tố cáo cuộc đảo chính và nói rằng họ sẽ bảo vệ những người biểu tình thuộc khu vực mà họ kiểm soát.
Quân đội Độc lập Kachin, cánh vũ trang của Tổ chức Độc lập Kachin, đã tấn công một đồn cảnh sát ở thị trấn Shwegu, bang Kachin trước rạng sáng ngày 31-3, theo các hãng tin địa phương The 74 Media và Bhamo Platform. Những kẻ tấn công được cho là đã thu giữ vũ khí, vật dụng và làm bị thương một cảnh sát.
Người Kachin thực hiện một loạt các cuộc tấn công vào lực lượng chính phủ trên khu vực của họ kể từ ngày 1-2. Họ nói rằng đợt giao tranh mới nhất diễn ra sau khi chính phủ tấn công vào 4 tiền đồn của người Kachin.
Người biểu tình chạy tránh lực lượng quân sự trong cuộc biểu tình ở Yangon vào ngày 31-3. Ảnh: AP
Cuộc tấn công người Kachin hôm 31-3 diễn ra sau cuộc xung đột mới ở miền Đông Myanmar, nơi quân du kích Karen chiếm giữ một tiền đồn của quân đội vào ngày 28-3. Sau đó, quân đội Myanmar đã thực hiện các cuộc không kích, giết chết ít nhất 13 dân làng và khiến hàng nghìn người khác vượt biên giới sang Thái Lan. Sau các cuộc không kích, Liên minh Quốc gia Karen đã đưa ra một tuyên bố, nói rằng quân đội Myanmar đang tiến vào vùng đất của họ và có thể họ phải đáp trả.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất 536 người biểu tình và người chứng kiến đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính ngày 1-2. Phần lớn những người biểu tình ôn hòa ở các thành phố và thị trấn của Myanmar đã phải đối mặt với cảnh sát và binh lính được trang bị vũ khí.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Myanmar, ông Christine Schraner Burgener, ngày 31-3 kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hành động trong bối cảnh cuộc khủng hoảng leo thang ở Myanmar.
Trong khi đó, ông Trương Quân, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, cho biết Trung Quốc kêu gọi chuyển đổi dân chủ ở Myanmar nhưng không đồng ý trừng phạt chính quyền quân sự tại cuộc họp Hội đồng Bảo an.
Bình luận (0)