Mục tiêu đầu tiên của quân đội là vùng ngoại ô Jeppestown của TP Johannesburg, nơi làn sóng bài ngoại bùng phát hôm 17-4. Cảnh sát, được sự hỗ trợ của quân đội, đã bắt 11 nghi phạm trong cuộc bố ráp một khu nhà tập thể ở đây hôm 21-4.
Ngoài ra, binh sĩ còn đến thị trấn Alexandra ở phía Bắc TP Johannesburg, nơi một cặp vợ chồng người Zimbabwe bị thương trong vụ tấn công bằng súng đêm 20-4. Một người Mozambique tên Emmanuel Sithole bị sát hại tại thị trấn này cuối tuần rồi và 4 nghi phạm liên quan đã ra tòa hôm 21-4.
Cảnh sát bố ráp một khu nhà tập thể ở vùng ngoại ô Jeppestown
của TP Johannesburg hôm 21-4 Ảnh: News24.com
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nam Phi Nosiviwe Mapisa-Nqakula, sự can thiệp của quân đội là cần thiết bởi tình hình đã trở nên nguy cấp trong bối cảnh các chính phủ nước ngoài chỉ trích Nam Phi không bảo vệ được công dân họ.
Theo đài CNN, ít nhất 7 người thiệt mạng và 5.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi xảy ra các vụ tấn công nhằm vào người châu Phi và châu Á tại Nam Phi khoảng 3 tuần trước. Ngoài ra, các quan chức cho biết hơn 900 người nước ngoài đã tình nguyện trở về quê nhà.
Căng thẳng leo thang sau khi vua Goodwill Zwelithin của tộc người Zulu vào tháng rồi tuyên bố người nước ngoài “nên thu xếp hành lý và cuốn gói” vì họ đang cướp mất công việc của người Nam Phi. Sau khi truyền thông địa phương đăng tải phát biểu này, bạo lực đối với người nhập cư đã nổ ra ở TP cảng Durban.
Vua Zulu sau đó khẳng định ông không phát biểu thế, đồng thời đổ lỗi báo chí trích dẫn sai. Còn theo Liên Hiệp Quốc, nguyên nhân làn sóng bài ngoại ở Nam Phi bắt nguồn từ một cuộc tranh chấp giữa dân địa phương và người lao động nước ngoài vào tháng rồi.
Thống kê chính thức cho thấy khoảng 2 triệu người nước ngoài đang ở Nam Phi nhưng thực tế có thể cao hơn nhiều. Với tỉ lệ thất nghiệp 25%, không có gì khó hiểu khi nhiều người Nam Phi chĩa mũi dùi vào dân nhập cư.
Bình luận (0)