Căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang lan sang gần như mọi lĩnh vực, từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), tình hình Hồng Kông cho đến nhân quyền và chuyện ai kiểm soát những công nghệ của tương lai.
Trong động thái mới nhất cho thấy cuộc đối đầu này chỉ có tăng chứ không giảm, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14-8 ký ban hành sắc lệnh hành pháp, theo đó sẽ buộc hãng ByteDance (Trung Quốc), chủ sở hữu TikTok, thoái vốn khỏi hoạt động của dịch vụ này tại Mỹ trong vòng 90 ngày. "Có những bằng chứng đáng tin cậy khiến tôi tin rằng ByteDance có thể thực hiện hoạt động đe dọa làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ" - Tổng thống Donald Trump cho biết. Một sắc lệnh trước đó của ông chủ Nhà Trắng cấm giao dịch giữa Mỹ và ByteDance và Tencent, chủ sở hữu của WeChat, sau 45 ngày tới nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia".
Đài CNN nhận định rằng dưới thời Tổng thống Donald Trump, quan hệ Mỹ - Trung bắt đầu căng thẳng vì thương mại nhưng đây lại là lĩnh vực duy nhất hai nước vẫn còn làm việc được cho đến giờ. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bị trúng đòn từ dịch Covid-19, cả hai nước và phần còn lại của thế giới đang muốn điều này được duy trì. "Thương mại là một lĩnh vực chúng tôi vẫn đang phối hợp. Mọi chuyện đều khả quan lúc này" - ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế Nhà Trắng, nói với các phóng viên vào đầu tuần này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Nhà Trắng hôm 15-1-2020Ảnh: Reuters
Nhiều thứ đã thay đổi kể từ khi hai nước ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hồi tháng 1-2020, tức gần 2 năm sau khi Mỹ bắn phát súng đầu tiên trong cuộc thương chiến với Trung Quốc. Theo thỏa thuận đình chiến nói trên, Mỹ loại bỏ một số thuế đã đánh lên hàng hóa Trung Quốc trong lúc không áp thêm thuế mới. Trong khi đó, Trung Quốc cam kết mua thêm hàng hóa và dịch vụ trị giá 200 tỉ USD của Mỹ trong 2 năm tới. Thỏa thuận này cho đến giờ dường như không hề hấn gì bất chấp quan hệ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới lao dốc không phanh về nhiều mặt. Ông Kudlow cho biết Trung Quốc đã tăng cường mua hàng hóa Mỹ thời gian gần đây, như mua hơn 4,6 triệu tấn đậu nành trong tháng 7.
"Trung Quốc và Mỹ trong quá khứ từng tiếp tục mối quan hệ kinh tế ngay cả khi có nhiều bất đồng, như về những vấn đề an ninh hoặc nhân quyền. Lúc này, mỗi nước đều có lợi ích trong việc duy trì quan hệ kinh tế ổn định" - ông David Dollar, chuyên gia của Viện Brookings (Mỹ), nhận định với đài CNN.
Với Bắc Kinh, theo các nhà phân tích của Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là một cách để quản lý căng thẳng với Washington và tránh những rủi ro kinh tế từ sự leo thang trở lại của cuộc chiến thuế quan. Trong bài viết được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng tải vào tuần rồi, ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ hợp tác để tạo các điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc khó có thể thực hiện đầy đủ mọi cam kết thương mại vào cuối năm nay trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó. Theo ước tính của Công ty Nomura (Nhật Bản), Trung Quốc tính đến cuối tháng 6 qua đã mua 40,3 tỉ USD hàng hóa Mỹ được nói đến trong thỏa thuận, tức chỉ bằng 20% giá trị mục tiêu của cả năm 2020.
Theo chuyên gia David Dollar, sẽ khó có chuyện Trung Quốc đáp ứng được một số mục tiêu đề ra trong thỏa thuận do tình hình dịch bệnh hiện nay. Chẳng hạn như cam kết mua thêm dịch vụ Mỹ đòi hỏi nhiều du khách, du học sinh Trung Quốc đến Mỹ và chi tiêu - một điều bất khả thi lúc này.
Bình luận (0)