Nhật Bản là nước G-7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng. Vào tháng 5-2016, lần đầu tiên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.
Trong những năm qua, mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển vượt bậc, toàn diện và sâu sắc với khuôn khổ "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á" được thiết lập năm 2014, thời điểm ông Abe Shinzo làm thủ tướng. Quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. Đến nay, Nhật Bản là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, nước tài trợ ODA lớn cho Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đi bộ tại phố cổ Hội An buổi tối ngày 11-11-2017 Ảnh: VGP
Tháng 3-2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản. Hai bên ra Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản về quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Trong thời gian giữ cương vị Thủ tướng Nhật Bản, ông Abe Shinzo đã 2 lần thăm chính thức Việt Nam vào năm 2013 và 2017 và 2 lần đến Việt Nam tham dự Hội nghị APEC 2006, 2017. Các chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Abe Shinzo đã đánh dấu những giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước, khẳng định Việt Nam - Nhật Bản là đối tác quan trọng và lâu dài.
Trả lời phỏng vấn TTXVN vào năm ngoái, Thủ tướng Abe Shinzo cho biết lần thăm Việt Nam nào của ông cũng nhận được sự đón tiếp nồng ấm của chính phủ và người dân Việt Nam. Nhà lãnh đạo này cho biết Nhật Bản mong muốn hợp tác với Việt Nam để cùng nhau tạo dựng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Trong diễn biến góp phần hiện thực hóa điều này, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa ký với Chính phủ Việt Nam hiệp định vốn vay ODA trị giá 36,626 tỉ yen (gần 350 triệu USD) cho dự án trang bị 6 tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam nhằm hỗ trợ mạnh mẽ việc nâng cao năng lực chấp pháp trên biển của Việt Nam.
Tình hình biển Đông luôn là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của Việt Nam và Nhật Bản. Trong cuộc điện đàm hôm 4-8 giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Abe Shinzo, hai bên khẳng định lại quan điểm về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, các bên liên quan đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982… Dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo, sách trắng quốc phòng Nhật Bản cũng chỉ trích mạnh yêu sách chủ quyền phi lý và hành động sai trái của Trung Quốc ở biển Đông.
Bình luận (0)