Chỉ 2 ngày sau khi bị điều tra, ông Tưởng Khiết Mẫn, Chủ nhiệm Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước (SASAC) thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, đã bị cách chức do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Thông tin trên được đăng tải chính thức trên Tân Hoa Xã ngày 3-9. Trước đó, tên họ của ông Tưởng đã bị gỡ bỏ khỏi trang web của SASAC vào ngày 2-9.
Việc điều tra các quan chức dầu mỏ đều dẫn đến cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang. Chính trị gia lừng lẫy một thời này cũng đang bị điều tra vì nghi có những hành vi mờ ám trong nhiều hợp đồng dầu khí và nhà đất, mang lại lợi lộc cho gia đình.
Nhiều nguồn tin cho biết các hoạt động tham nhũng của vị quan chức họ Tưởng có thể vào khoảng 4,25 triệu USD. Ngoài ra, ông này còn có quan hệ khăng khít với cựu bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Trên thực tế, những lời đồn đại về việc ông Tưởng Khiến Mẫn bị điều tra đã xuất hiện từ lâu. Tháng 9-2012, khi ông còn giữ chức chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CNPC), cộng đồng mạng đã tung tin về sự mất tích bí ẩn của vị chủ tịch này. Lúc ấy, đúng là có khoảng 1 tháng, ông Tưởng không xuất hiện trong các dịp lễ công khai. Sau đó, người phát ngôn của CNPC giải thích ông phải nhập viện với lý do sức khỏe.
Trong khi đó, cộng đồng mạng kháo nhau chuyện ông Tưởng đã chuyển một khoản tiền đáng kể vào tài khoản của người bị thiệt hại trong một vụ tai nạn xe hơi do quý tử của cựu chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Lệnh Kế Hoạch gây ra. Điều khiến mọi người quan tâm là cậu ấm này gặp nạn trong tình trạng bán khỏa thân.
Theo tờ Minh báo của Hồng Kông, người thay thế ông Tưởng dường như là ông Trương Nghị - Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm SASAC. Vốn là bí thư Đảng ủy khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, ông Trương năm nay 63 tuổi và sẽ về hưu trong vài năm tới. Một ứng cử viên khác cho vị trí của ông Tưởng là ông Mã Hưng Thụy - Cục trưởng Cục Công nghiệp, Khoa học và Công nghệ quốc phòng Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác, cơ quan chống tham nhũng của chính quyền Trung Quốc (CCDI) vừa ra mắt trang web. Đây sẽ là kênh cập nhật công tác phòng chống tham nhũng, giải thích các chính sách, lắng nghe ý kiến người dân và tiếp nhận tố cáo tham nhũng. Nhiều năm qua, CCDI luôn bí mật điều tra tham nhũng, không ban hành thông cáo báo chí cho truyền thông nước ngoài, thậm chí không công khai số điện thoại cơ quan.
Bình luận (0)