Cùng với việc tham dự hội nghị vào ngày 18-1, theo TTXVN, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước và các đối tác phát triển. Đây cũng là dịp để Việt Nam quảng bá vị thế, vai trò của mình trên cương vị chủ nhà APEC 2017.
Chủ đề của hội nghị lần này là “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm” với hơn 300 phiên thảo luận về các nhóm vấn đề như nâng cao quản trị toàn cầu; ứng phó với các bất ổn an ninh và khủng hoảng; thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; tái cơ cấu kinh tế và cải cách xã hội ở các quốc gia và khu vực; phát triển các hệ thống công nghiệp và mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị hôm 17-1, Tổng thống nước chủ nhà Doris Leuthard bày tỏ lo ngại về thực trạng chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ đang chiếm ưu thế tại nhiều khu vực trên thế giới. Theo bà Leuthard, xu hướng này thách thức sự kết nối của cộng đồng toàn cầu và cản trở nỗ lực hợp tác của các quốc gia.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bảo vệ toàn cầu hóa khi nhấn mạnh đây không phải là nguyên nhân của mọi vấn đề mà thế giới đang đối mặt. Chẳng hạn, chiến tranh và xung đột, chứ không phải toàn cầu hóa, mới gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn hiện nay. Trong thông điệp được cho là gửi đến Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, ông Tập kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thúc đẩy sự hợp tác và mở cửa thay vì theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Chủ tịch Trung Quốc cũng khẳng định sẽ không ai chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại.
Bình luận (0)