Kinh tế toàn cầu hiện trong trạng thái tốt hơn những năm trước: Thị trường chứng khoán đang bùng nổ, giá dầu trên đà hồi phục trong lúc nguy cơ sụt giảm tăng trưởng tại Trung Quốc không còn nghiêm trọng.
Cú sốc Trump, Brexit
Dù vậy, khi các nhà lãnh đạo thế giới, doanh nhân, giám đốc điều hành doanh nghiệp, người nổi tiếng, học giả, phóng viên… tập trung tại thị trấn Davos - Thụy Sĩ để tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) từ ngày 17 đến 20-1, tâm trạng chung của họ không lấy gì phấn khởi, theo Reuters.
Sự lạc quan về viễn cảnh kinh tế bị phủ bóng bởi nỗi lo đang tăng về môi trường chính trị ngày càng “độc hại” và cảm giác bất an về ông Donald Trump, người sẽ tuyên thệ nhậm chức trong ngày cuối cùng của sự kiện. Hai cú sốc mang tên Trump và Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) đã giáng đòn mạnh vào những nguyên tắc được ủng hộ tại Davos lâu nay, từ toàn cầu hóa, thương mại tự do cho đến chủ nghĩa đa phương.
Ông Trump chính là gương mặt đại diện nổi bật của làn sóng dân túy đang lan rộng tại các nước phát triển, đe dọa đến trật tự dân chủ tự do thời hậu Thế chiến II. Trong bối cảnh một loạt cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Hà Lan, Pháp, Đức và nhiều khả năng là Ý, tâm trạng bồn chồn của khoảng 3.000 đại biểu dự các sự kiện tại Davos năm nay là điều dễ hiểu. “Bất kể bạn nghĩ gì về ông Trump và những lập trường của ông, việc ông ấy thắng cử đã dẫn đến cảm giác rất không chắc chắn và điều này sẽ phủ bóng mạnh mẽ lên Davos” - ông Jean-Marie Guehenno, Giám đốc điều hành Nhóm Khủng hoảng quốc tế (trụ sở ở Bỉ), dự báo.
Danh sách nhà lãnh đạo tham dự diễn đàn cũng nói lên nhiều điều. Ông Tập Cận Bình chắc chắn là một nhân vật thu hút nhiều chú ý bởi ông là chủ tịch Trung Quốc đầu tiên dự diễn đàn trong lịch sử 47 năm của nó. Sự hiện diện của ông Tập là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn gia tăng ảnh hưởng trên thế giới vào thời điểm ông Trump theo đuổi chính sách “nước Mỹ trước tiên” còn châu Âu đang đau đầu với những rắc rối của riêng mình, như chủ nghĩa khủng bố, Brexit…
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời một số chuyên gia nhận định ông Tập sẽ tận dụng bài phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn để quảng bá về một Trung Quốc đóng vai trò lãnh đạo mạnh mẽ và có trách nhiệm trên trường quốc tế cũng như lên tiếng bảo vệ tự do thương mại.
Niềm tin sụt giảm
Đại diện Mỹ tại diễn đàn là Phó Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng John Kerry. Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Trump quyết định không cử đại diện chính thức dự Davos. Dù vậy, ông Anthony Scaramucci, nhà sáng lập quỹ đầu tư Skybridge Capital, dự kiến vẫn tham dự sau khi được bổ nhiệm là một phụ tá của ông Trump tại Nhà Trắng vào tuần rồi. Người phát ngôn của ông Trump cho biết ông Scaramucci đã lên kế hoạch đến Davos trước khi được bổ nhiệm và chuyến đi không mang tính chính thức.
Ngoài ông chủ sắp tới của Nhà Trắng, một sự vắng mặt đáng chú ý khác là Thủ tướng Đức Angela Merkel, người được xem là rất phù hợp với chủ đề chính của diễn đàn năm nay: “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”. Trái lại, người đồng cấp Anh Theresa May sẽ hiện diện tại Davos sau khi có bài phát biểu chi tiết về những kế hoạch của mình dành cho Brexit tại London ngày 17-1.
Nội dung thảo luận tại WEF 2017 khá đa dạng, tập trung vào những cơ hội và thách thức mà thế giới đang đối mặt. Tuy nhiên, vấn đề được “soi” nhiều nhất là liệu các nhà lãnh đạo có thể nhất trí về những nguyên nhân gốc rễ khiến người dân nổi giận và bắt đầu tìm giải pháp khôi phục niềm tin của họ. Đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng bởi một báo cáo được Công ty Tiếp thị truyền thông Edelman (Mỹ) công bố trước thềm diễn đàn cho thấy niềm tin của công chúng vào các chính phủ, doanh nghiệp và giới truyền thông sụt giảm vào năm ngoái do một loạt biến động chính trị, bê bối liên quan đến các công ty. Theo báo cáo, phần lớn trong số 33.000 người tại 28 quốc gia được hỏi tin rằng hệ thống kinh tế, chính trị không còn vận hành hiệu quả.
Một báo cáo gây chú ý khác đến từ Tổ chức Từ thiện Oxfam (Anh) bởi nó nêu bật tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng nghiêm trọng trên toàn cầu. Theo tính toán của Oxfam, tổng tài sản của 8 người giàu nhất đang ngang bằng với tổng tài sản của 3,6 tỉ người nghèo nhất thế giới. Trong báo cáo tương tự một năm trước đó, Oxfam cho biết 62 người giàu nhất thế giới có tổng tài sản tương đương phân nửa dân số được xem là nghèo nhất.
Thành phố đắt đỏ nhất thế giới
Theo bảng xếp hạng gần 500 thành phố mới được Công ty Dữ liệu Numbeo công bố, thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới hiện nay là Hamilton, thủ phủ của Bermuda, lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh ở Bắc Đại Tây Dương.
Numbeo tính toán và xếp hạng chi phí sinh hoạt của một thành phố trong mối tương quan với TP New York - Mỹ, địa phương có chỉ số 100. Chẳng hạn, nếu một thành phố có chỉ số chi phí sinh hoạt 130, có nghĩa là đắt đỏ hơn New York 30%. Ngược lại, thành phố nào có chỉ số 70 tức là phí sinh hoạt nơi đây rẻ hơn 30% so với New York.
Theo Yahoo News, TP Hamilton có chỉ số 141,59, theo sau là 3 thành phố của Thụy Sĩ - Geneva (131,69), Basel (129,61), Zurich (129,03). Với dân số chưa đến 65.000 người, đa phần hàng hóa ở Bermuda đều được nhập khẩu. Theo Ngân hàng Thế giới, lãnh thổ này có thuế suất cao thứ tư trên thế giới khiến chi phí về thực phẩm, xe cộ, khí đốt, điện và các vật dụng sinh hoạt khác tăng vọt. Nguyên nhân lớn nhất khiến chi phí sinh hoạt tăng cao ở Hamilton là nhà ở: Năm 2015, giá trung bình của ngôi nhà cho một gia đình vào khoảng 1,2 triệu USD.
Trong số 10 thành phố đứng đầu bảng về chi phí sinh hoạt, Thụy Sĩ chiếm đến 7 vị trí. May cho người dân nước này là họ đang tận hưởng mức lương trung bình cao thứ ba trong số các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - 58.389 USD/năm, chỉ sau Luxembourg và Mỹ. Trong khi đó, New York dù là thành phố đắt đỏ nhất nước Mỹ nhưng chỉ xếp thứ 16 trong danh sách, ngay phía trên 2 thành phố trong nước khác là Honolulu (99,37) và San Francisco (98,97).
Thành phố có chi phí sinh hoạt thấp nhất thế giới là Thiruvananthapuram - Ấn Độ (19,83). Điều đáng chú ý là 8/10 thành phố có chi phí sinh hoạt thấp nhất nằm tại quốc gia Nam Á này.
Lục San
Bình luận (0)