Với 227 phiếu thuận và 186 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 11-3 đã thông qua nghị quyết ngăn Tổng thống Donald Trump phát lệnh tấn công quân sự Iran khi chưa được Quốc hội phê chuẩn. Trước đó, Thượng viện Mỹ cũng đưa ra quyết định tương tự.
Những người ủng hộ nghị quyết cho biết họ muốn đảm bảo rằng Quốc hội là cơ quan có quyền lực duy nhất "tuyên chiến" theo quy định của hiến pháp Mỹ.
Tuy nhiên, nghị quyết có thể bị Tổng thống Trump dùng quyền phủ quyết, trong khi "liên minh" giữa phần lớn các nghị sĩ đảng Dân chủ với một nhóm nhỏ nghị sĩ đảng Cộng hòa không có đủ số phiếu để lật ngược tình thế.
Tổng thống Trump gặp gỡ các phương tiện truyền thông tại Nhà Trắng ở Washington ngày 11-3. Ảnh: REUTERS
"Nếu Tổng thống Trump nghiêm túc với lời hứa ngăn chặn các cuộc chiến bất tận, ông sẽ ký nghị quyết này thành luật" - Thượng nghị sĩ Tim Kaine thuộc đảng Dân Chủ nói. Nếu trở thành luật, nghị quyết sẽ không ngăn ông Trump hoặc các tổng thống Mỹ tương lai thực hiện hành động quân sự nếu họ xác định có mối đe dọa sắp xảy ra từ Iran.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căn cứ al-Taji (cách thủ đô Baghdad - Iraq khoảng 30 km về phía Bắc) có binh lính nước ngoài đồn trú bị trúng 10 quả rocket, khiến 3 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Những người bị thương gồm có một lính Mỹ, một lính Anh và một nhà thầu Mỹ.
Đây là cuộc tấn công đẫm máu nhất nhằm vào các lực lượng nước ngoài ở Iraq trong vài năm gần đây. Chưa có lực lượng nào thừa nhận tiến hành vụ tấn công.
Trước đó, vào tháng 12, một nhà thầu dân sự Mỹ thiệt mạng trong vụ không kích ở miền Bắc Iraq, kéo dài chuỗi leo thang cảnh căng thẳng giữa hai nước sau khi Mỹ đổ lỗi cho lực lượng Shi’ite ở Iraq liên kết với Iran.
Ngày 3-1-2019, truyền thông quốc tế đưa tin trong sự ngỡ ngàng. Trong một cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ, Qassem Soleimani, Chỉ huy lực lượng đặc biệt al-Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo bị giết chết tại sân bay Baghdad. Vụ tấn công do Tổng thống Trump ra lệnh. Ngay tức thì, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố rằng Iran và các quốc gia khác trong khu vực sẽ "trả thù Mỹ".
Bình luận (0)