Lãnh đạo 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ ở quốc hội Mỹ hôm 22-7 (giờ địa phương) đã nhất trí về dự luật cho phép áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga liên quan đến cáo buộc can thiệp bầu cử.
Thông điệp gửi Nga
Dự luật mới này cũng trao cho quốc hội quyền phủ quyết để ngăn chặn động thái giảm nhẹ lệnh trừng phạt từ phía chính quyền, hạn chế khả năng Tổng thống Donald Trump dỡ bỏ bất cứ biện pháp trừng phạt nào chống lại Moscow.
Theo dự luật này, Tổng thống phải đệ trình báo cáo lên quốc hội các hành động đề xuất sẽ "thay đổi đáng kể" chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nga. Khi đó, quốc hội sẽ có ít nhất 30 ngày để thảo luận, điều trần và tổ chức bỏ phiếu ủng hộ hay bác bỏ các đề xuất thay đổi của tổng thống. Dự luật được đưa ra trong bối cảnh phe Dân chủ và một số thành viên Đảng Cộng hòa bày tỏ lo ngại Tổng thống Mỹ xem xét trả lại cho Nga 2 khu nhà ngoại giao ở Maryland và New York - đã bị chính quyền cựu tổng thống Barack Obama thu giữ hồi tháng 12-2016. Đài BBC nhận định thỏa thuận của lưỡng đảng cho thấy quốc hội Mỹ quyết tâm duy trì đường lối cứng rắn đối với Nga.
Căn cứ vào lịch trình của thủ lĩnh phe đa số ở hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, hạ viện sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật vào ngày 25-7, sau đó đến lượt thượng viện. Trong khi đó, theo đài CNN, các trợ lý quốc hội cho biết họ dự kiến Tổng thống sẽ ký ban hành bởi vì nhiều khả năng dự luật này được lưỡng viện quốc hội thông qua với đa số phiếu áp đảo.
Như thế, ông chủ Nhà Trắng bị quốc hội đẩy vào tình thế khó khăn. Tổng thống Mỹ có thể phủ quyết dự luật nhưng hành vi đó sẽ châm ngòi cho mối nghi ngờ ông đứng về phía Điện Kremlin. Mặt khác, nếu đặt bút ký, có nghĩa là ông Donald Trump sẽ áp dụng đạo luật mà chính quyền của mình phản đối. "Quốc hội gần như thống nhất sẵn sàng gửi Tổng thống Putin một thông điệp rõ ràng đại diện cho nhân dân Mỹ và các đồng minh. Chúng tôi cần Tổng thống Donald Trump giúp chuyển thông điệp này" - thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin, Ủy ban Đối ngoại thượng viện, khẳng định.
Ngoài Nga, dự luật còn bao gồm lệnh trừng phạt mới đối với Iran và Triều Tiên. Tuy nhiên, hãng tin AP trích dẫn nguồn tin tại thượng viện Mỹ cho biết các thượng nghị sĩ Cộng hòa có thể chống lại việc kết hợp các dự luật trừng phạt Nga và Iran với dự luật trừng phạt Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Hamburg - Đức hôm 7-7. Ảnh: REUTERS
EU phản đối
Được hỏi về thái độ đối với dự luật trừng phạt mới nêu trên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố ông đánh giá nó một cách hoàn toàn tiêu cực. Trong khi đó, đài CNN dự đoán sự đáp trả của Nga sẽ là bất ngờ trong trường hợp Mỹ thông qua gói trừng phạt mới chống Nga. Theo đó, Nga sẽ tấn công Mỹ từ một phía khác bất ngờ, có thể gây ra nhiều khó dễ đối với công dân Mỹ và hoạt động làm ăn của doanh nghiệp Mỹ.
Về phần mình, theo hãng tin Reuters, cả Liên minh châu Âu (EU) cũng có thái độ phê phán trước sáng kiến của Mỹ, đồng thời tỏ ra không hài lòng trước hành động đơn phương của Mỹ vốn khiến nỗ lực đa dạng hóa lĩnh vực năng lượng của EU bị đe dọa. EU cho rằng hậu quả do dự luật nêu trên của Mỹ đem lại là không thể lường trước, không thể phân biệt và nghiêm trọng. Từ đó, EU kêu gọi Mỹ thỏa thuận với Brussels các bước đi trong việc trừng phạt chống Nga. Theo hãng tin RIA Novosti, chủ tịch Ủy ban Quốc tế Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev tuyên bố EU không sẵn sàng ủng hộ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga khi nó ảnh hưởng đến nền kinh tế thực tế.
Trong bối cảnh quốc hội Mỹ nỗ lực tăng cường trừng phạt Nga, Lầu Năm Góc xem Nga là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh của Mỹ, hơn cả Trung Quốc, Iran và Triều Tiên. Phát biểu tại hội nghị về an ninh ở bang Colorado hôm 22-7, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford, tuyên bố Nga có tiềm lực quân sự lớn nhất trong số tất cả quốc gia có thể đe dọa Mỹ. "Nhiệm vụ của chúng ta là ngăn chặn xung đột với Nga" - hãng tin Newsru trích dẫn lời tướng Dunford.
Bùng nổ bất thường trên Twitter
Hẳn chẳng ai xa lạ với sự năng động trên Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump - người được cho là chủ nhân của những phát ngôn trên thế giới ảo có sức mạnh làm đảo lộn thị trường, xã hội cũng như cuộc sống của nhiều người dân Mỹ. Tuy nhiên, liên tiếp đăng tải tới 10 lần về hàng loạt vấn đề nóng bỏng sau khi tỉnh giấc được cho là tần suất bất thường của ông chủ Nhà Trắng hôm 22-7. Làn sóng đăng tải nói trên "đổ bộ" Twitter bắt đầu từ 3 giờ 30 phút, theo giờ địa phương, cho tới khi Tổng thống Mỹ rời Nhà Trắng trên chuyến bay tới Norfolk, bang Virginia (Mỹ) để tham gia lễ bàn giao tàu sân bay tối tân USS Gerald R. Ford cho Hải quân Mỹ. Chủ đề bao trùm từ chuyện mở rộng điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, bà Hillary Clinton, cậu con trai Donald Trump Jr., cho tới tên thủ lĩnh tối cao được cho là đã chết của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi…
Trong một đăng tải của "ngày bất thường" trên Twitter này, ông Donald Trump tuyên bố mình hoàn toàn có quyền miễn tội. Theo Independent, dù ông chủ Nhà Trắng ám chỉ chẳng có gì sai trái nên không cần phải dùng tới quyền lực đó lúc này, song phát ngôn vẫn không khỏi làm dấy lên những suy đoán rằng ông đang xem xét sử dụng "bảo bối" này giữa lúc điều tra liên quan tới cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ diễn biến phức tạp.
Bênh vực cậu con cả Donald Trump Jr. đang gặp rắc rối vì cuộc gặp nhạy cảm với luật sư Nga năm 2016, Tổng thống Mỹ còn "động chạm" tới cả bê bối dùng email cá nhân cho công việc của bà Hillary Clinton, nói rằng con trai ông đã công khai những email của mình với truyền thông và giới chức trách trong khi bà Hillary xóa sạch 33.000 email của mình.
Ông Donald Trump còn cáo buộc tờ The New York Times phá hoại kế hoạch tiêu diệt thủ lĩnh IS Baghdadi. Theo CBS News, phát ngôn này được đưa ra khoảng 20 phút sau khi đài Fox News phát sóng lời của Tướng Raymond Thomas tiết lộ Mỹ có nguồn tin tình báo quan trọng về vị trí của Baghdadi vào năm 2015 nhưng thông tin đã bị một tờ báo - (Fox News xác định là The New York Times) rò rỉ.
Tuy nhiên, dù đề cập tới hàng loạt vấn đề như vậy, Tổng thống Mỹ không có một dòng nói tới thỏa thuận mới đạt được của các lãnh đạo Cộng hòa và Dân chủ sẽ cản trở khả năng nới lỏng hay hủy bỏ trừng phạt Nga của ông.
Thu Hằng
Bình luận (0)