Theo kênh tin tức CGTN (Trung Quốc), một trong những trọng tâm của chương trình nghị sự là kế hoạch 5 năm (2021-2025) lần thứ 14 về phát triển kinh tế - xã hội. Trọng tâm của kế hoạch là "nền kinh tế lưu thông kép", qua đó báo hiệu Bắc Kinh có ý định giảm vai trò của thương mại quốc tế trong nền kinh tế trong lúc tập trung thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Những mục tiêu phát triển chính được đề cập trong kế hoạch là tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm ở đô thị, kiểm soát ô nhiễm... Các nhà kinh tế dự đoán Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tạo ra hơn 10 triệu việc làm mới ở thành thị trong năm nay, tăng so với 9 triệu vào năm ngoái.
Đáng chú ý, theo đài CNBC, nhiều chuyên gia cho rằng Bắc Kinh sẽ không công bố mục tiêu GDP tại kỳ họp Quốc hội dự kiến bế mạc vào ngày 11-3 tới. Tại kỳ họp, vào năm ngoái, Trung Quốc đã có quyết định hiếm thấy là không đưa ra con số này trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành. Bất chấp những tác động tiêu cực của dịch bệnh, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng 2,3% trong năm 2020.
Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh hôm 4-3 Ảnh: REUTERS
Một con số cũng thu hút nhiều quan tâm tại kỳ họp là chi tiêu quân sự. Nhiều chuyên gia dự báo Trung Quốc sẽ tăng ngân sách quốc phòng giữa lúc kinh tế dần hồi phục sau cú sốc Covid-19 và căng thẳng quân sự gia tăng. Chuyên gia Ross Babbage, thuộc Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (Mỹ), nói với Reuters rằng Bắc Kinh sẽ tăng chi tiêu quốc phòng thêm 7%. Năm ngoái, Bắc Kinh thông báo con số này tăng 6,6% lên 178 tỉ USD, mức tăng thấp nhất trong 30 năm qua.
Một bước đi như thế là điều dễ hiểu bởi Bắc Kinh đang đối mặt sức ép đang tăng từ chính quyền mới ở Washington. Mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 3-3 khẳng định Trung Quốc là "thách thức địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ XXI" của Washington. "Quan hệ Mỹ - Trung sẽ cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc. Chúng tôi sẽ tương tác với Trung Quốc từ vị thế sức mạnh" - Ngoại trưởng Blinken khẳng định.
Theo đài NBC News, ông Blinken nêu đích danh Trung Quốc trong bài phát biểu liệt kê 8 ưu tiên đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong đó có ứng phó đại dịch Covid-19, chống biến đổi khí hậu, tăng cường liên minh và khôi phục các giá trị dân chủ... Dù vậy, theo hãng tin AP, căng thẳng Washington - Bắc Kinh đang đe dọa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Là 2 quốc gia phát thải nhiều khí carbon nhất thế giới, Trung Quốc và Mỹ đều bày tỏ ý định điều chỉnh kinh tế để giảm tiêu thụ than, dầu và khí đốt. Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng trong quan hệ 2 nước có thể đe dọa mục tiêu này.
Bình luận (0)