Là người chống đối Thái tử Mohammed bin Salman hàng đầu, nhà báo Khashoggi mất tích sau khi vào lãnh sự quán nói trên hôm 2-10. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ ông đã bị giết và phi tang xác.
Sau nhiều ngày bác bỏ, Riyadh hôm 20-10 cho hay ông Khashoggi thiệt mạng trong một vụ ẩu đả bên trong lãnh sự quán. Liền đó, Quốc vương Salman cách chức 5 quan chức, bao gồm Saud al-Qahtani (cố vấn hoàng gia được xem là cánh tay mặt của Thái tử Mohammed) và Ahmed Asiri (phó giám đốc tình báo).
Năm nguồn tin có quan hệ với hoàng gia Ả Rập Saudi tiết lộ với Reuters rằng tình hình dầu sôi lửa bỏng tới mức buộc Quốc vương Salman phải đích thân can thiệp. Hôm 11-10, ông phái cố vấn tin tưởng nhất - Hoàng tử Khaled al-Faisal, đồng thời là thống đốc Mecca - bay đến Istanbul.
Sau chuyến đi của Hoàng tử Khaled, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi đồng ý lập nhóm điều tra chung, còn nhà vua ra lệnh cơ quan công tố trong nước mở cuộc điều tra. Với việc phái cánh tay mặt có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan "ra trận", Quốc vương Salman đã chính tay cứu vãn vụ việc - theo một doanh nhân Ả Rập Saudi thân cận với hoàng gia.
Liệu Quốc vương Salman (phải) có bảo vệ con trai mình, Thái tử Mohammed bin Salman, hay không? Ảnh: REUTERS
Vốn giao việc điều hành đất nước cho Thái tử Mohammed từ đầu năm 2015, ban đầu quốc vương không hay biết vụ việc. Mọi việc lộ ra khi vụ mất tích trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu, khiến tất cả kênh truyền hình Ả Rập lẫn Saudi mà nhà vua thường xem đều đưa tin.
Theo các nguồn tin, việc Quốc vương Salman ra mặt cho thấy sự bất mãn trong hoàng gia dành cho cách điều hành của thái tử đang tăng lên. Năm nay 33 tuổi, Thái tử Mohammed đã áp dụng hàng loạt cải cách xã hội và kinh tế nhưng ông cũng không ngần ngại trấn áp phe đối lập, thanh trừng nội bộ hoàng gia... Vụ việc liên quan tới nhà báo Khashoggi lần này còn khiến các đồng minh châu Âu đặt dấu chấm hỏi về uy tín của thái tử.
Điển hình là hàng loạt quan chức tài chính và doanh nghiệp quốc tế - bao gồm Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde, các bộ trưởng tài chính Mỹ, Anh, Pháp, Hà Lan, Giám đốc điều hành Cơ quan xếp hạng tín nhiệm JP Morgan (Mỹ) Jamie Dimon và chủ tịch hãng ô tô Ford Bill Ford... - hủy tham dự hội nghị đầu tư cấp cao của Ả Rập Saudi, dự kiến diễn ra từ ngày 23 tới 25-10.
Tuy nhiên, chính phản ứng của Mỹ góp phần buộc nhà vua can thiệp. "Khi tình hình vượt ngoài kiểm soát và Mỹ gầm gừ, Thái tử Mohammed phải nhờ tới cha. Ban đầu ông ta và các trợ lý cứ nghĩ vụ việc sẽ trôi qua nhưng họ đã tính sai" - một nguồn tin kể. Nổi tiếng là sẵn sàng trừng phạt các hoàng tử "lạc đường" nhưng chưa rõ vị vua 82 tuổi có xuống tay với thái tử hay không. "Kể cả đó là người con được yêu thích, nhà vua vẫn phải suy xét thấu đáo vì sự sống còn của hoàng gia" - một nguồn tin khác nhận xét.
Bình luận (0)