Bị cưỡng hiếp tại căn hộ riêng hồi tháng 9 năm trước nhưng nữ sinh Madi Barney, 20 tuổi, phải đợi đến 4 ngày sau đó mới dám trình báo cảnh sát TP Provo, bang Utah - Mỹ. Cô sợ bị đuổi khỏi Trường ĐH Brigham Young (BYU) mà mình đang theo học với lý do vi phạm bộ quy tắc danh dự.
Tranh đấu đến cùng
“Tôi chỉ nhớ mình nức nở nói với cảnh sát rằng tôi không dám trình báo vì BYU sẽ cho tôi thôi học” - Barney kể lại với tờ The New York Times mới đây. Đúng như lo lắng, vài tuần sau khi Barney trình báo cảnh sát, BYU đã nhận được báo cáo của cảnh sát và gọi nữ sinh này lên làm rõ sự tình. Trường này cũng mở cuộc điều tra để tìm hiểu xem liệu cô có vi phạm bộ quy tắc danh dự hay không.
Barney hiện đối mặt “sự trừng phạt” từ BYU vì không chịu trả lời tất cả câu hỏi của họ. Luật sư của Barney dặn thân chủ không cung cấp chi tiết cho đến sau khi phiên tòa xử vụ việc, dự kiến diễn ra vào mùa thu này. Đáp lại, BYU quyết định không để cô đăng ký các lớp học mới trừ khi cô hợp tác với văn phòng phụ trách vấn đề quy tắc ứng xử.
Đối với những nữ sinh BYU từng bị tấn công tình dục, điều tệ nhất là cảm giác nhà trường không tin tưởng họ. Cô Madeline MacDonald cho biết mình bị hãm hiếp khi là sinh viên năm nhất tại BYU (năm 2014) song đại diện nhà trường đã phản ứng như thể cô nói dối. Tương tự, sinh viên Margot Crandall cũng cảm thấy sợ hãi và thực sự xấu hổ nếu ai đó, nhất là BYU, biết chuyện cô bị cưỡng bức. Cô buộc phải tạm nghỉ học 2 năm để hồi phục tinh thần và đòi công lý cho bản thân.
Sau khi Barney công khai phàn nàn cách đối xử của nhà trường, một số nữ sinh khác chia sẻ họ cũng có cùng cảnh ngộ sau khi trình báo chuyện bị lạm dụng tình dục. Thông tin này làm dấy lên làn sóng phản đối của sinh viên tại BYU (một trường dành cho người theo giáo phái Mormon) và cuộc tranh luận khắp nước Mỹ về chuyện nạn nhân cưỡng hiếp tiếp tục học hành ra sao tại những trường bảo thủ như BYU. Barney đã đệ đơn khiếu nại BYU lên Văn phòng Dân quyền của Bộ Giáo dục Mỹ. Ngoài ra, trong bản kiến nghị trực tuyến thu hút hơn 111.000 chữ ký, cô gái trẻ này kêu gọi BYU miễn xử phạt đối với người trình báo chuyện bị tấn công tình dục. “Tôi không muốn bất cứ ai phải gánh chịu những gì tôi đang trải qua” - Barney giải thích về nỗ lực của mình.
Nạn nhân cũng có lỗi?
Nội quy nghiêm ngặt của BYU từng thu hút nhiều chú ý trong quá khứ với vụ ngôi sao bóng rổ Brandon Davies bị đuổi học năm 2011 vì quan hệ tình dục với bạn gái. Tuy nhiên, vụ của nữ sinh Barney còn gây tranh cãi nhiều hơn. Theo chuyên gia xã hội học Ryan Cragun thuộc Trường ĐH Tampa, hầu hết người ngoài cho rằng việc kỷ luật một người vừa trở thành nạn nhân của lạm dụng tình dục là không cần thiết. Thế nhưng, Ban Giám hiệu BYU thì có lý lẽ của riêng mình: Họ nói Barney có lỗi vì thân mật với một người đàn ông, không có chuyện cưỡng hiếp.
Bà Teresa Fishman, Giám đốc Trung tâm Quốc tế về sự chính trực trong trường đại học (ICAI), mô tả bộ quy tắc danh dự của BYU là “sự cực đoan” hiếm hoi. Theo bà, hầu hết trường đại học Mỹ đều có bộ quy tắc kiểu này nhằm duy trì sự công bằng và trung thực chứ không phải gò bó chuyện ăn mặc hoặc kiêng khem tình dục. Theo đài BBC, bộ quy tắc danh dự đầu tiên ở Mỹ ra đời năm 1763. Khi đó, các tân sinh viên của Trường Cao đẳng William và Mary ở TP Williamsburg, bang Virginia tập trung tuyên thệ không gian dối hoặc ăn cắp.
Bà Linda Trevino thuộc Trường ĐH bang Pennsylvania nhận định bộ quy tắc danh dự có tác động tích cực trong 20 năm qua bất chấp một số vụ bê bối gian lận thi cử. Dù vậy, một số trường bắt đầu điều chỉnh nội dung bộ quy tắc này để phù hợp với kỷ nguyên internet, nơi sinh viên dễ dàng sao chép tài liệu từ trên mạng. Đây là điều Trường ĐH Harvard đã làm vào năm ngoái sau khi hàng chục sinh viên bị đình chỉ học tập do gian lận.
Nghiêm khắc
BYU là một trong số vài trường tư thục sử dụng bộ quy tắc danh dự để yêu cầu sinh viên có lối sống phù hợp với niềm tin tôn giáo. Để được vào học, sinh viên BYU phải đồng ý tuân thủ những điều khoản của bộ quy tắc này, như không uống rượu, hút thuốc lá hoặc sử dụng ma túy. Họ bị hạn chế uống trà hoặc cà phê; hạn chế mặc váy hoặc quần soóc cao trên đầu gối. Sinh viên chưa lập gia đình không được quan hệ tình dục. Thậm chí, việc sinh viên để người khác giới có mặt trong phòng bị xem là sai phạm nghiêm trọng. Trong khi đó, bộ quy tắc danh dự của Trường ĐH Liberty ở bang Virginia không cho phép sinh viên để kiểu tóc, ăn mặc hoặc công khai cảm xúc thoải mái.
Bình luận (0)