Đất nước chúng tôi thường bầu cử 5 năm một lần. Giờ đây, chúng tôi có thể tiến hành bỏ phiếu 5 phút một lần (trên mạng xã hội)” - ông Modi chia sẻ với nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg. Với quan điểm trên, không có gì lạ khi vị thủ tướng 65 tuổi này thường xuyên sử dụng tài khoản ở cả 2 mạng xã hội Facebook và Twitter để tương tác với hàng chục triệu người theo dõi.
Phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ một lần nữa nêu bật vai trò ngày càng lớn của mạng xã hội trong đời sống chính trị khắp thế giới. Theo đài CBC News (Canada), mạng xã hội đã trở thành một sân chơi sôi động trong chiến dịch tranh cử hiện đại. Với Facebook, Instagram, Twitter, các ứng viên có nhiều kênh chuyển tải thông điệp của mình hơn bao giờ hết. Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hiện tại của các ứng viên đảng Dân chủ và Cộng hòa chính là minh chứng rõ ràng nhất cho hiện tượng này.
Trong các sự kiện tranh cử được tường thuật trên truyền hình, dễ bắt gặp cảnh tượng những cử tri vừa xem tivi vừa theo dõi bình luận trên máy tính và thậm chí còn sử dụng điện thoại thông minh để thảo luận trên mạng xã hội. Theo chiến lược gia mạng xã hội Susie Erjavec Parker thuộc Tập đoàn Sparker Strategy (Canada), mạng xã hội đã khiến các cuộc tranh luận chân thật hơn và dân chủ hóa các cuộc tranh luận trong khi truyền thông truyền thống, đặc biệt là truyền thông gắn liền với chính phủ, luôn dè chừng và cẩn trọng hơn.
Tuy nhiên, giáo sư Greg Elmer tại Trường ĐH Ryerson (Canada) cho rằng sự bùng nổ của mạng xã hội trong chính trị cũng có thể dẫn tới việc cử tri phát ngán và không thể hấp thụ hết vì thông điệp quá nhiều.
Bên cạnh đó, những ý kiến của các đối tượng không mang tính chất xây dựng sẽ tạo ảnh hưởng xấu. Chính ông chủ Facebook hồi cuối tuần qua đã phải lên tiếng trấn an Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng mạng xã hội này sẽ nỗ lực hơn nữa để chống lại những bình luận phân biệt chủng tộc tràn lan trên trang mạng này tại Đức đối với những bài đăng tải liên quan tới cuộc khủng hoảng tị nạn.
Bình luận (0)