Trong bộ phim tài liệu kéo dài 2 giờ mang tên "Putin" được phát hôm 11-3, ông Putin kể với phóng viên Andrey Kondrashov về sự cố nói trên.
Vào ngày 7-2-2014, các nhân viên an ninh chịu trách nhiệm bảo vệ Thế vận hội Sochi gọi điện thoại cho nhà lãnh đạo Nga, thông báo một chiếc máy bay chở khách trên đường từ Ukraine đến TP Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ đã "bị không tặc". "Các nghi phạm" đề nghị cho máy bay hạ cánh ở TP Sochi trước thời điểm khai mạc thế vận hội.
Theo phóng viên Kondrashov, các phi công của hãng hàng không Pegasus Airlines (Thổ Nhĩ Kỳ) nói rằng trên chiếc Boeing 737-800 bay từ Kharkiv tới Istanbul có 1 hành khách mang bom và máy bay buộc phải đổi hướng tới TP Sochi.
Lúc đó chiếc Boeing 737-800 chở 110 hành khách, trong khi hơn 40.000 người đã tụ tập tại sân vận động để dự lễ khai mạc.
Ông Putin (trái) trong buổi phỏng vấn với nhà báo Megyn Kelly của đài NBC tại Điện Kremlin hôm 1-3. Ảnh: Reuters
Tổng thống Putin kể ông đã nhờ các nhân viên an ninh tư vấn và nhận được đề xuất bắn hạ máy bay. "Tôi nói với họ: hãy hành động theo kế hoạch" – nhà lãnh đạo Nga nhớ lại. Kế đến, ông đi tới địa điểm tổ chức lễ khai mạc với các quan chức Ủy ban Olympic Quốc tế.
Sau vài phút, ông Putin nhận được một cuộc điện thoại khác thông báo rằng đó là báo động sai do hành khách chỉ say xỉn và máy bay sẽ tiếp tục hành trình tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 11-3 xác nhận lời kể trong bộ phim tài liệu là chính xác.
Trong cùng bộ phim trên, Tổng thống Putin kể lại câu chuyện xảy ra năm 2000, khi chiếc trực thăng chở ông tới Cộng hòa Chechnya bị tấn công.
Theo Sputnik, vụ việc xảy ra vào đêm giao thừa khi ông Putin bay tới Gudermes, Chechnya để chúc mừng quân đội liên bang Nga và tham gia vào một lễ trao giải thưởng. Giới chức quân đội Nga khi đó thông báo rằng trực thăng của tổng thống không thể hạ cánh do thời tiết xấu nhưng thực ra nó bị tấn công.
Ông Putin trao đổi với lực lượng an ninh địa phương ở Gudermes, Chechnya vào tháng 12-2011. Ảnh: Reuters
"Tôi tưởng là pháo hoa vì đó là đêm giao thừa. Nhưng các phi công liền bảo chúng tôi đang bị tấn công" - ông Putin kể. Lúc đó, ông Putin liền ra lệnh chuyển sang đi đường bộ dù những con đường ở Chechnya thường xuyên bị cài mìn. Trên đường trở về, một quả mìn đã phát nổ nhưng may mắn không ai bị thương.
Cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ hai bùng nổ vào năm 1999, sau một loạt vụ khủng bố ở Moscow, St. Petersburg mà Nga quy trách nhiệm cho phiến quân Chechnya. Sau hơn một năm giao tranh, quân đội Nga đã loại bỏ nước Cộng hòa Chechnya Ichkeria (CRI) tự xưng vào năm 2000.
Tiết lộ về ông nội
Trong bộ phim, ông Putin cũng tiết lộ ông nội của mình, Spiridon Putin, từng nấu ăn cho cả 2 nhà lãnh đạo Liên Xô cũ: Vladimir Lenin và Joseph Stalin cũng như được đánh giá cao trong đội ngũ giúp việc của ông Stalin.
Ông Putin cho Reuters biết ông nội của mình làm đầu bếp cho lãnh tụ Lenin, sau đó là nhà lãnh đạo Stalin tại một khu nhà ở Moscow.
Ông Spiridon tiếp tục nấu ăn cho đến khi qua đời vào năm 1965 ở tuổi 86.
Cũng trong bộ phim tài liệu, ông Putin khẳng định Nga sẽ không bao giờ trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine. Nga sáp nhập bán đảo này từ năm 2014, dẫn đến lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây nhằm vào Moscow.
Bình luận (0)