Mỹ hôm 11-4 vượt qua Ý trở thành quốc gia có số người tử vong nhiều nhất thế giới vì virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đại dịch Covid-19. Tổng số người thiệt mạng vì virus này tại Mỹ đã lên hơn 20.500, tăng thêm hơn 2.000 người sau 24 giờ - mức tăng kỷ lục kể từ khi virus bùng phát tại quốc gia này.
Wyoming cùng ngày trở thành bang thứ 50 và cũng là cuối cùng ở Mỹ ban bố tình trạng thảm họa sau khi được Tổng thống Trump phê chuẩn. Theo Bloomberg, nhiều bang của Mỹ đã triển khai nỗ lực mới nhằm kiểm soát Covid-19, lên kế hoạch xét nghiệm diện rộng và truy tìm gắt gao những trường hợp nghi nhiễm virus với sự hỗ trợ của các tổ chức phi lợi nhuận, trường đại học và lĩnh vực tư nhân.
Massachusetts, Utah và Bắc Dakota là 3 trong các bang đang thực hiện những chiến lược toàn diện như trên, vốn được giới chức y tế công khẳng định là cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus và gỡ bỏ lệnh phong tỏa, giảm áp lực cho kinh tế.
Câu hỏi đặt ra là những chương trình nêu trên có thể tiến triển nhanh như thế nào trong bối cảnh nỗ lực xét nghiệm trên khắp nước Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng thiếu gạc, hóa chất cùng những thiết bị y tế khác vốn đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng của nhiều phòng thí nghiệm.
Người dân đeo khẩu trang mua nhu yếu phẩm tại một cửa hàng ở TP Chicago - Mỹ hôm 11-4 Ảnh: REUTERS
Theo chuyên gia Howard Forman của Trường ĐH Yale (Mỹ), quốc gia này hiện chỉ có thể tiến hành 110.000-135.000 xét nghiệm mỗi ngày, kém xa con số 1 triệu/ngày mà ông cho là cần thiết để thực hiện nỗ lực nêu trên một cách "tự tin hơn nhiều".
Giới chức y tế công cảnh báo số người thiệt mạng vì Covid-19 tại Mỹ có thể tăng lên 200.000 người trong hè này nếu lệnh phong tỏa được gỡ bỏ khi hết hiệu lực vào cuối tháng này.
Tổng thống Donald Trump khẳng định thời điểm tái mở cửa kinh tế sẽ là quyết định quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông và ông sẽ nhận được sự tư vấn của "những người rất thông minh". "Chúng tôi đang thành lập một hội đồng gồm những nhà lãnh đạo xuất chúng ở gần như mọi lĩnh vực. Chúng tôi sẽ ra quyết định sớm" - ông Trump tuyên bố, đồng thời cam kết tái thiết kinh tế để tri ân những người đã thiệt mạng trong đại dịch.
Ông chủ Nhà Trắng khẳng định kinh tế Mỹ sẽ phục hồi nhanh như "tên lửa" nhờ khao khát quay lại làm việc của người dân, cũng như gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD của chính phủ liên bang.
Theo khảo sát mới nhất của Trường ĐH Quinnipiac (Mỹ), tỉ lệ cử tri Mỹ tin tình hình kinh tế nước nhà đang xấu đi đã tăng đột biến lên 60%, so với 28% của thời điểm đầu tháng 3. Dù vậy, dữ liệu từ cuộc khảo sát cho thấy gần như không có bất cứ cử tri nào muốn mở cửa kinh tế trở lại vào thời điểm này.
Tương tự, kết quả khảo sát của Fox News tuần rồi cho thấy 80% cử tri Mỹ muốn chính phủ liên bang yêu cầu người dân ở nhà, ngoại trừ lao động ở những lĩnh vực thiết yếu. Cũng theo khảo sát, chỉ 4% cử tri Mỹ nghĩ Tổng thống Trump phản ứng thái quá về Covid-19 trong khi 47% cho rằng ông hành động chưa đủ quyết liệt.
Theo CNN, những cuộc khảo sát trên cho thấy ở thời điểm hiện tại, người dân Mỹ muốn Tổng thống Trump tập trung vào vấn đề sức khỏe công, thay vì kinh tế.
Nhiều nước châu Âu nới lỏng lệnh phong tỏa
Tây Ban Nha hôm 11-4 ghi nhận mức tăng thấp kỷ lục kể từ ngày 23-3 với 510 ca tử vong vì Covid-19, lên tổng số 16.353 ca. Đây cũng là ngày thứ ba liên tiếp quốc gia này ghi nhận xu hướng giảm trong số ca tử vong. "Dù vậy, chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn quan trọng của đại dịch" - Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa nói.
Tây Ban Nha đã quyết định nới lỏng lệnh phong tỏa và kể từ ngày 13-4, công nhân xây dựng và sản xuất tại quốc gia này có thể quay lại làm việc.
Áo, Đan Mạch và Na Uy cũng đang thực hiện những bước đi đầu tiên để quay lại trạng thái bình thường. Tại Pháp, tuy số bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt đã giảm 3 ngày liên tiếp nhưng Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế quốc gia Jerome Salomon khẳng định những kết quả đã có nhờ nỗ lực chung trong thời gian qua, nay cần phải tiếp tục giữ".
Bình luận (0)