Nhiều cuộc biểu tình với hàng ngàn người tham gia bùng phát trên cả nước hôm 15-4, tập trung đông nhất ở thủ đô Cairo và TP Alexandria. Giận dữ trước việc chính phủ của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi trả lại 2 hòn đảo Tiran và Sanafir trên biển Đỏ cho Ả Rập Saudi hôm 9-4, người biểu tình hô vang những khẩu hiệu từng được sử dụng khi lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mubarak năm 2011, như “Chúng tôi muốn chính phủ này sụp đổ”.
Hầu hết các cuộc biểu tình nhanh chóng bị lực lượng an ninh giải tán. Riêng tại trung tâm Cairo, người biểu tình đồng ý bỏ cuộc song cảnh báo sẽ quay lại trong ngày 25-4. Dù vậy, có hơn 100 người bị bắt giữ.
Các quan chức 2 nước liên quan cho rằng đảo Tiran và Sanafir thuộc về Ả Rập Saudi và Ai Cập chỉ quản lý khi được Riyadh nhờ vả vào năm 1950. Năm 1957, Tổng thống Ai Cập khi đó là Gamal Abdel Nasser tuyên bố không cho tàu thuyền Israel qua lại eo biển giữa 2 hòn đảo. Xem đây là hành động ảnh hưởng tự do hàng hải và an ninh quốc gia, thậm chí gây chiến, Iseael đáp trả bằng một cuộc không kích phủ đầu vào Ai Cập và các đồng minh Ả Rập. Sau hiệp ước năm 1979 với Israel, 2 hòn đảo trở về với Ai Cập. Vì vậy, nhiều người Ai Cập xem 2 hòn đảo mà họ phải đổ máu bảo vệ là của mình.
Nhiều nước ở Trung Đông ngạc nhiên trước quyết định của Ai Cập, trừ Israel. Nước này cũng tuyên bố không phản đối, khiến giới chuyên gia nghi ngờ Israel, Ai Cập và Ả Rập Saudi sắp lập liên minh và một trong những mục tiêu chính là Iran.
Tuy nhiên, phản ứng giận dữ của người dân có thể khiến ông Sisi lo lắng, nhất là khi chính phủ của ông xử lý không tốt hàng loạt vụ khủng hoảng gần đây, từ vụ sinh viên người Ý Giulio Regeni bị giết ở Cairo đến vụ máy bay Nga bị đánh bom trên bán đảo Sinai hồi tháng 10-2015.
Bình luận (0)