Nếu ai có dịp ghé quận Jhajjar thuộc bang Haryana, dễ nhận thấy những cảnh tượng có thể bắt gặp ở biết bao vùng nông thôn khác của Ấn Độ.
“Ai mà chẳng muốn có con trai!”
Những nhóm người tụ tập đông đúc trên các con đường bụi mù mỗi lần xe cộ chạy qua, những dãy cửa tiệm nhỏ dọc hai bên đường khu trung tâm. Thế nhưng, địa phương cách thủ đô New Delhi 50 km về phía Tây này từ lâu đã nổi tiếng vì tỉ lệ sinh con trai cao bất thường. Vào năm 2011, Jhajjar có 67.380 bé trai và 52.671 bé gái tuổi từ 0-6, tức 128 bé trai mới có 100 bé gái, tỉ lệ chênh lệch giới tính cao nhất nước. Tính trên phạm vi cả nước, tỉ lệ này đang ở mức 108 bé trai/100 bé gái.
Câu chuyện ở Jhajjar nêu bật tình trạng mất cân bằng giới tính đang phổ biến khắp châu Á, gây ra một loạt vấn đề, từ sự thiếu hụt “cô dâu”, hiệu quả kinh tế suy giảm cho đến bạo lực gia tăng. Tất cả những yếu tố trên có thể khiến châu Á khó giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng như hiện tại, theo cảnh báo của tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật Bản).
“Ai mà chẳng muốn có con trai! Con gái kết hôn rồi sẽ về gia đình chồng, vậy thì lấy ai chăm sóc chúng tôi khi về già” - một người đàn ông 43 tuổi, có 2 con trai ở Jhajjar, giải thích với Nikkei Asian Review. Nhiều nơi khác ở Ấn Độ cũng rơi vào tình trạng “dương thịnh, âm suy” như Jhajjar vì các vụ phá thai nhi nữ hoặc các bé gái chết yểu do gia đình bỏ mặc. Gánh nặng của hồi môn cho mỗi cô con gái về nhà chồng từ lâu là nỗi ám ảnh của nhiều gia đình ở Ấn Độ.
“Nuôi con gái tốn kém nhiều nhưng họ đóng góp không bao nhiêu cho gia đình. Đó là một trong những nguyên nhân người Ấn Độ chuộng con trai hơn” - bà Yuiko Nishikawa, giáo sư chuyên nghiên cứu về nhân khẩu học Ấn Độ tại Trường ĐH Josai (Nhật Bản), nhận định.
Bất ổn xã hội
Giới phân tích đã chỉ ra sự thiếu hụt của những “bóng hồng” trong lực lượng lao động do phái mạnh thống trị đang khiến Ấn Độ mất đi nhiều cơ hội phát triển kinh tế. Theo Tổ chức Lao động quốc tế, năm 2014, chỉ có 27% nữ giới Ấn Độ tham gia vào lực lượng lao động, trong khi tỉ lệ trung bình toàn cầu khoảng 50%. Kinh tế Ấn Độ hiện tăng trưởng khoảng 7%/năm, một con số khá ấn tượng. Tuy nhiên, theo tính toán của Viện Toàn cầu McKinsey, thuộc Công ty Tư vấn quản lý quốc tế McKinsey&Co, GDP Ấn Độ vào năm 2025 có thể còn tăng trưởng cao hơn nếu tỉ lệ tham gia của nữ giới vào lực lượng lao động cũng tương đương nam giới.
Không chỉ dừng lại ở câu chuyện tăng trưởng kinh tế, tình trạng “thừa nam” trong giới trẻ được cho là liên quan ít nhiều tới vấn đề gia tăng tội phạm bạo lực và trộm cắp, theo các nghiên cứu. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc năm 2015 cho biết số lượng nam giới ở nước này nhiều hơn nữ giới tới 33,8 triệu người. Tỉ lệ tội phạm tại Trung Quốc tăng chóng mặt cùng với tỉ lệ bất bình đẳng giới trong độ tuổi 16-25, theo một công trình của các nhà nghiên cứu Mỹ năm 2013.
“Mất cân bằng giới dẫn tới nhiều đàn ông không lấy được vợ, từ đó tâm lý khó chịu gia tăng, kéo theo những hành động tấn công tình dục, bắt cóc “cô dâu” cũng như buôn bán phụ nữ” - Giám đốc Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội (Nhật Bản) Toru Suzuki nhận xét. Tác động thậm chí vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc, liên lụy tới những nước khác trong khu vực. Một số phụ nữ ở những nước như Campuchia và Việt Nam bị bán sang Trung Quốc với mục đích kết hôn.
Trái ngược
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, châu Á và Trung Đông có 2,24 tỉ đàn ông và 2,14 tỉ phụ nữ trong năm 2015. Đáng chú ý, sự chênh lệch giữa dân số nam và nữ này - khoảng 100 triệu người - đã tăng 70% kể từ năm 1985. Trái lại, châu Âu và Bắc Mỹ có số lượng nữ nhiều hơn nam lần lượt là 26 triệu và 3 triệu người (tính trong năm 2015).
Bình luận (0)