Báo The Guardian khẳng định chủ đề chính thức của hội nghị WEF 2016 là làm chủ được “cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư” - gồm việc sử dụng robot, công nghệ nano, in 3D và công nghệ sinh học.
Từ đó, hội nghị Davos đặc biệt chú ý đến mối đe dọa đối với công ăn việc làm của giới “công nhân cổ cồn trắng”. Vấn đề nghiêm trọng là liệu có phải nhân loại đang hướng đến “thế giới không việc làm” hay chăng. Một số chuyên gia cho rằng trong tương lai, sự tự động hóa thông minh có thể sẽ giành mất một nửa số việc làm.
Theo báo cáo “Việc làm trong tương lai” công bố hôm 18-1, WEF dự báo đến năm 2020, 15 nền kinh tế với tổng cộng 1,9 tỉ công nhân (chiếm 65% lực lượng lao động toàn cầu) có thể mất hơn 7 triệu việc làm, chủ yếu trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, năng lượng, dịch vụ tài chính, đầu tư… Bù lại, sẽ có thêm 2 triệu việc làm mới được tạo ra do sự thay đổi về công nghệ, chủ yếu trong lĩnh vực máy tính, toán học, kiến trúc và kỹ thuật. Dự báo phụ nữ sẽ mất việc nhiều hơn nam giới (52% so với 48%).
Những sự thay đổi này sẽ làm rối loạn không chỉ các mô hình kinh doanh mà còn các thị trường lao động. “Để ngăn chặn kịch bản xấu nhất xảy ra - sự thay đổi công nghệ dẫn đến tình trạng thiếu hụt tài năng, thất nghiệp đại trà và bất bình đẳng gia tăng - điều quan trọng là phải tái đào tạo và nâng cao kỹ năng cho lớp công nhân ngày nay” - các tác giả báo cáo nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc đào tạo cho tương lai rất quan trọng vì khoảng 65% trẻ em bắt đầu học tiểu học lúc này có thể sẽ làm những công việc chưa xuất hiện.
Bình luận (0)