Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz bắt đầu tập trận chung với Ấn Độ từ ngày 20-7 gần quần đảo Andaman và Nicobar ở Ấn Độ Dương dự kiến kéo dài đến chiều 21-7 (giờ địa phương).
Hoạt động trên diễn ra vào thời điểm Ấn Độ và Trung Quốc bị kéo vào cuộc đối đầu tại biên giới tranh chấp ở Ladakh.
Ngoài ra, căng thẳng đang leo thang ở biển Đông, nơi Hải quân Mỹ vừa tiến hành tập trận với sự tham gia của hai tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan.
Tàu sân bay USS Nimitz. Ảnh: Reuters
Trong khi các cuộc tập trận quy mô lớn thường xuyên bị trì hoãn do đại dịch Covid-19, Hải quân Ấn Độ gần đây đã thực hiện một số hoạt động diễn tập được các quan chức mô tả là cơ hội để cải thiện khả năng tương tác trên biển.
Cựu phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ DK Sharma cho hay: "Một cuộc tập trận thông thường được thực hiện bất cứ khi nào có cơ hội, khác với các cuộc tập trận hàng hải được lên kế hoạch trước. Mặc dù cuộc tập trận Malabar sẽ được tiến hành vào cuối năm nay nhưng sẽ thật tốt khi diễn tập với các lực lượng hải quân có cùng chí hướng và trao đổi những cơ hội tốt nhất bất cứ khi nào có thể".
Hải quân Ấn Độ cho biết cũng đã tiến hành các cuộc diễn tập tương tự với Hải quân Nhật Bản và Pháp gần đây.
Cuộc diễn tập giữa các tàu Hải quân Ấn Độ và nhóm tàu sân bay USS Nimitz gần quần đảo Andaman và Nicobar hôm 20-7. Ảnh: The Hindu
Malaysia lên tiếng về biển Đông
Malaysia kiên định với lập trường rằng vấn đề biển Đông phải được giải quyết theo cách hòa bình và hợp lý thông qua đối thoại và tham vấn. Bộ Quốc phòng Malaysia cho hay vấn đề này đã được Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob và người đồng cấp Nhật Bản Kono Taro nhấn mạnh trong cuộc điện đàm song phương ngày 20-7.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Malaysia, Bộ trưởng Ismail Sabri đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các bên phối hợp bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định tại biển Đông.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Huang Xilian đã kêu gọi các nước Đông Nam Á cảnh giác trước những nỗ lực của Mỹ nhằm phá hoại sự ổn định của khu vực bằng cách tự đưa mình vào các tranh chấp ở biển Đông.
Các nhà quan sát cho rằng những cuộc đấu khẩu giữa Trung-Mỹ là bằng chứng cho thấy hai siêu cường đang ngày càng gây ảnh hưởng ở Đông Nam Á khi mối quan hệ song phương tiếp tục xấu đi. Điều này còn gây áp lực đối với các nước phải chọn đứng về phía Mỹ hoặc Trung Quốc. Bất đồng Mỹ - Trung thậm chí có thể mở rộng sang các nước Đông Nam Á không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, như Myanmar.
Bình luận (0)