Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và USS Nimitz hôm 17-7 tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận kép trên biển Đông để duy trì khả năng sẵn sàng tác chiến cao nhất trước mọi tình huống. Đây là lần thứ hai trong tháng, nhóm tác chiến của USS Ronald Reagan và USS Nimitz hoạt động chung trên vùng biển tranh chấp này.
"Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và Ronald Reagan đang hoạt động trên biển Đông, bất cứ nơi đâu luật pháp quốc tế cho phép, để tái khẳng định cam kết của chúng tôi đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do, đối với một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, cũng như đối với các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong khu vực" - Chuẩn đô đốc Jim Kirk, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz, tuyên bố.
Tàu sân bay Mỹ USS Nimitz đi qua eo biển Balabac (Philippines) để đến biển Đông hôm 15-7 Ảnh: Hải quân Mỹ
Trong khi đó, theo Sáng kiến Thăm dò tình hình chiến lược biển Đông (SCSPI) của Trường ĐH Peking (Trung Quốc), Mỹ đã triển khai một máy bay trinh sát không người lái MQ-4C Triton bay qua biển Đông để hướng đến khu vực Tây Nam của Đài Loan vào ngày 15-7, trước khi tiếp tục triển khai một máy bay chống tàu ngầm P-8A và một máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135R trong một lộ trình bay tương tự vào ngày 16-7.
Ông Song Zhongping, một chuyên gia quân sự tại Hồng Kông, khẳng định với báo South China Morning Post rằng Hải quân Mỹ có thể đang thăm dò các hoạt động dưới biển của hải quân Trung Quốc tại biển Đông, bởi những máy bay trinh sát như MQ-4C, P-8A và P-3C có thể giúp thăm dò tàu chiến, tàu ngầm cũng như các hoạt động dưới nước khác và săn lùng tàu ngầm.
Trong khi đó, theo báo Nikkei Asian Review, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang lên kế hoạch triển khai 2 đơn vị đặc biệt đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sớm nhất vào năm 2021 để đảm nhiệm hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ chiến tranh điện tử và chiến tranh mạng đến nhắm mục tiêu chính xác cho tên lửa. Ít nhất một đơn vị sẽ được điều đến biển Đông nhằm gia tăng sức ép lên Trung Quốc.
Làm gián đoạn thông tin liên lạc của quân đội Trung Quốc thông qua việc "đánh lừa" hệ thống sẽ là giải pháp phản ứng hiệu quả đối với một tình huống khẩn cấp trên biển Đông, một cựu sĩ quan Hải quân Mỹ giấu tên khẳng định.
Giữa lúc căng thẳng Washington - Bắc Kinh leo thang, Ấn Độ hôm 16-7 nhấn mạnh biển Đông là một phần của lợi ích chung toàn cầu, đồng thời thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho hoạt động tự do hàng hải và hàng không tại vùng biển tranh chấp này. Đáp lại, Washington tuyên bố tiếp tục sát cánh cùng New Delhi trong chiến dịch chống lại chính sách bành trướng và ngày càng ngang ngược của Trung Quốc, dù là trên biển Đông hay trên dãy Himalaya.
Những động thái trên diễn ra không lâu sau khi Mỹ bác gần hết yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên biển Đông, đồng thời tuyên bố sẽ hậu thuẫn những quốc gia bị Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền trên vùng biển tranh chấp này thông qua biện pháp ngoại giao.
Theo giới quan sát, sự thay đổi chính sách của Mỹ có thể thúc đẩy các nước Đông Nam Á tranh chấp chủ quyền trên biển Đông chống lại Trung Quốc bằng hành động pháp lý. Mặc dù không công khai chọn phe, một số quốc gia trong khu vực khẳng định sau tuyên bố của Mỹ rằng Bắc Kinh cần tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề tranh chấp biển Đông.
Theo chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế Richard Heydarian tại Philippines, tuyên bố của Mỹ có nhiều ý nghĩa thực tiễn quan trọng, đặc biệt là với những đồng minh như Philippines, vì nó thể hiện rõ ràng cam kết của Washington đối với biển Đông.
Trong khi đó, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và Luật Biển (IMLOS) của Trường ĐH Philippines, ông Jay Batongbacal, khẳng định lập trường cứng rắn hơn của Mỹ trên biển Đông có thể mang lại một số lợi thế nhất định cho các nước ASEAN trong quá trình đàm phán, bởi họ biết lập trường của mình được cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ hơn so với lập trường của Trung Quốc.
Bình luận (0)