Tới tận đêm 7-10, tức 2 ngày sau khi vợ ông Mạnh báo nhà chức trách Pháp, phía Trung Quốc mới xác nhận đang giam giữ ông Mạnh để điều tra tội nhận hối lộ.
Vụ việc lẽ ra đã không rùm beng khắp các mặt báo trên thế giới hoặc ít ra bớt ầm ĩ đi rất nhiều nếu giới chức Trung Quốc chịu gọi một cú điện thoại hoặc gửi email thông báo trước (và kể cả sau) khi ông Mạnh bị bí mật bắt giữ.
Truyền thông thế giới xem hành động của Bắc Kinh là coi thường quy tắc quốc tế cũng như làm suy giảm vai trò của nước này tại các tổ chức quốc tế - thậm chí báo South China Morning Post gọi đó là "tự bắn vào chân mình". Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định việc bắt ông Mạnh, người cũng là thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, chứng minh không ai đứng trên pháp luật, đồng thời thể hiện quyết tâm nhổ rễ tham nhũng. Trong vụ này, không ai chỉ trích chuyện nội bộ Trung Quốc song chính cách làm việc của họ mới gây chú ý.
Ông Mạnh Hoành Vĩ (trái) và Chủ tịch Tập Cận Bình tại một cuộc họp của Interpol ở Bắc Kinh hồi tháng 11-2017. Ảnh: KYODO
Trong khi bên ngoài tỏ vẻ bất ngờ thì những sự biến mất bí ẩn kiểu ông Mạnh không phải chuyện lạ ở Trung Quốc. Theo South China Morning Post, điều này thể hiện quyền lực to lớn của cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc, nhất là sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012 và phát động cuộc chiến chống tham nhũng.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương (CCDI, cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc) có quyền bắt giữ bất cứ đảng viên nào để điều tra trong thời gian dài. Để tăng tính pháp lý cho chiến dịch đã trừng phạt hơn 1 triệu đảng viên - với hàng ngàn người trong số đó bị bỏ tù, đầu năm nay Trung Quốc thông qua Luật Giám sát quốc gia và thành lập Ủy ban Giám sát quốc gia.
Quan chức Trung Quốc có thể tin rằng chuyện trong nước quan trọng hơn những e ngại từ bên ngoài. Tuy nhiên, việc thế giới phản ứng tiêu cực với cách bắt giữ ông Mạnh là một cảnh báo nữa đối với tham vọng trở thành "siêu cường có trách nhiệm" của Trung Quốc.
Bình luận (0)