Tổng thống Donald Trump hôm 19-12 bất ngờ tuyên bố trên Twitter rằng đây là thời điểm Mỹ rút lực lượng ở Syria về nước bởi "chúng ta đã đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng", lý do duy nhất để Mỹ hiện diện quân sự tại Syria dưới thời của ông.
Những người ủng hộ cho rằng bước đi trên không chỉ tạo điều kiện cho việc tái thiết Syria sau nhiều năm nội chiến mà còn giúp Washington tập trung sức mạnh quân sự đối phó Trung Quốc.
Chuyên gia Christian Whiton của Trung tâm vì lợi ích quốc gia (Mỹ) gọi đó là hành động đúng đắn của Tổng thống Donald Trump trong bài viết đăng trên trang Fox News.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút quân về nước vì IS đã bị đánh bại. Ảnh: AP
Theo bài viết, cho đến thời điểm hiện tại, lực lượng Mỹ và đồng minh đã xóa sổ một lượng lớn phần tử IS tại Syria, quốc gia vẫn đang bị tàn phá nặng nề bởi cuộc nội chiến kéo dài 8 năm.
Trong khi đó, ổn định Syria chưa bao giờ là mục tiêu chính của Tổng thống Donald Trump. Ngoài ra, thay thế Tổng thống Bashar al-Assad đòi hỏi một cuộc chiến lớn theo kiểu Iraq và khiến người dân Syria đau khổ cùng cực.
Các lực lượng chống ông Assad cũng không có khả năng đạt được chiến thắng quân sự lâu dài và một số còn tệ hơn cả nhà lãnh đạo Syria, trong đó có cả các phần tử mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.
Tổng thống Donald Trump dường như đã đúng khi phóng tên lửa hành trình vào Syria sau vụ Damascus bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Mỹ và đồng minh có thể làm điều tương tự nếu chế độ Assad vượt qua lằn ranh đỏ về sử dụng vũ khí hóa học hoặc đe dọa các đồng minh Trung Đông nhưng cần phải mở đường để Syria tái thiết sau chiến tranh.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump biết rõ rằng khi Mỹ triển khai quân đội, họ nên hoàn thành một mục tiêu rõ ràng với lực lượng mạnh mẽ và sau đó thoát ra. Bằng cách từ từ rút khỏi các cuộc chiến từ Afghanistan đến Libya, Tổng thống Donald Trump có thể tập trung nhiều sức mạnh quân sự hơn vào mối đe dọa chính của Mỹ trên thế giới lúc này: Trung Quốc.
Dựa vào bản năng, ông cũng hiểu rằng thách thức lớn của Washington nằm ở Thái Bình Dương chứ không phải một nơi nào khác.
Lực lượng Mỹ tại Manbij - Syria. Ảnh: AP
Tỏ ra thông cảm với quyết định ông Trump, cựu Đại sứ Mỹ tại Syria Ted Kattouf lập luận rằng lực lượng Mỹ hiện diện tại Syria với quy mô nhỏ nên việc rút quân là điều khó tránh. Nhiệm vụ của họ là đánh bại IS và hầu hết nhiệm vụ đó đã hoàn thành. Mức độ hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria không đủ để thay đổi những thực tế không liên quan đến IS trên mặt đất - phần lớn đang chịu sự chi phối của các lực lượng Nga, Iran và chính quyền ông Assad.
Dù vậy, phần lớn ý kiến tỏ ra không đồng tình với quyết định rút quân của ông Trump.
Đặc phái viên Liên minh chống IS toàn cầu Brett McGurk cho rằng mục tiêu quân sự của Mỹ rõ ràng là đánh bại IS. Tuy nhiên, theo ông McGurk, bài học rút ra trong những năm qua là việc đánh bại một nhóm như IS không chỉ là tái chiếm những lãnh thổ trong tay chúng rồi rời đi. Thay vào đó, cần bảo đảm các lực lượng an ninh địa phương đủ mạnh để bảo đảm duy trì những thành quả đạt được về lâu dài và điều này đòi hỏi thêm thời gian.
Vì thế, tạp chí The New Yorker lo ngại quyết định rút quân quá sớm và vội vã sẽ khiến những thành quả của Mỹ tại Syria đối mặt rủi ro. Thậm chí, có ý kiến cho rằng hành động này không khác gì sự đầu hàng trên thực tế của Mỹ trước Nga, Iran và phong trào Hezbollah.
Ngay cả thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, một người thường hậu thuẫn ông Trump, cũng lo ngại việc rút lực lượng Mỹ khỏi Syria sẽ là một sai lầm lớn giống như dưới thời Tổng thống Barack Obama. "IS không bị đánh bại ở Syria, Iraq...Quyết định rút quân cũng sẽ thúc đẩy khao khát quay trở lại của IS" – ông Graham nói.
Bình luận (0)