Hệ thống S-400 được triển khai đến Syria hôm 25-11, tức một ngày sau khi máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Nga.
Kể từ đó, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã ngưng chiến dịch không kích ở Syria, trong đó có các vụ tấn công nhằm vào mục tiêu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Máy bay của Ankara thậm chí còn tránh hoạt động gần biên giới Syria.
Rõ ràng là Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang lo ngại về nguy cơ máy bay của họ bị hệ thống S-400 bắn hạ giữa lúc căng thẳng về vụ Su-24 vẫn chưa hạ nhiệt.
Hôm 27-11, phát ngôn viên thuộc liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu phủ nhận các cuộc không kích bị hoãn ở Syria do sự xuất hiện của S-400. Lý do chính, theo người này, là những biến động của tình hình chiến trường Syria.
Hệ thống S-400 tại căn cứ Hmeimim. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Tuy nhiên, các nguồn tin quân sự của mạng thông tin tình báo Debkafile (Israel) khẳng định cả Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Israel đều không có bất kỳ kinh nghiệm thực tế trong việc ứng phó với S-400 - hệ thống phòng không có thể bắn hạ máy bay tàng hình, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chiến lược.
Phạm vi hoạt động của S-400 đối với các mục tiêu khí động lực khoảng 250 km và các mục tiêu đạn đạo là 60 km. S-400 có thể tấn công đến 36 mục tiêu cùng một lúc.
Sau khi có mặt tại căn cứ Khmeimin, phạm vi hoạt động của S-400 đang bao quát ít nhất 3/4 lãnh thổ Syria, phần lớn Thổ Nhĩ Kỳ, toàn bộ lãnh thổ Lebanon, Cyprus và 1/2 lãnh thổ Israel.
Ngoài ra, kể từ khi Su-24 bị bắn hạ, Nga đã triển khai thêm nhiều hệ thống chiến tranh điện tử đa chức năng mới ở cả trên không và mặt đất để làm gián đoạn các chuyến bay và hoạt động của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Để đáp trả, Ankara đã cài đặt các hệ thống gây nhiễu điện tử KORAL dọc biên giới phía nam của nước này với Syria.
Bình luận (0)