Sa thải ông James Comey nghĩa là ông Trump đã sa thải người có thể đã giúp ông lên ghế tổng thống và cũng là người có khả năng đe dọa lớn nhất tới tương lai của ông chủ Nhà Trắng, theo New York Times.
Ông Trump không hề đề cập một từ nào liên quan tới Nga trong bức thư 4 dòng gởi tới Giám đốc FBI thông báo rằng ông ta đã bị sa thải. Có chút gì đó trớ trêu khi ông Trump khẳng định rằng chính những lỗi lầm của ông Comey trong cuộc điều tra bê bối email của cựu ngoại trưởng Hillary Clinton đã dẫn tới việc ông bị sa thải.
Ông chủ Nhà Trắng còn bóng gió đề cập tới một bản ghi nhớ của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein - người nói rằng ông Comey không nên tiết lộ chi tiết của vụ điều tra đó.
Chưa có Giám đốc FBI nào bị sa thải kể từ năm 1973. Ảnh: AP
Tuy nhiên, giữa lúc Washington đang bị chấn động vì hành động của Tổng thống Trump - một động thái được cho là chưa từng xảy ra kể từ năm 1973, có những đồn đoán nổi lên cho rằng ông Comey buộc phải ra đi bởi vai trò của ông trong vụ điều tra cáo buộc liên quan tới liên hệ của chiến dịch tranh cử của tổng thống với Nga.
Nhiều người chỉ ra rằng Tổng thống Trump rõ ràng chẳng có gì phải phiền muộn với cuộc điều tra của ông Comey với bê bối email của bà Clinton, cuộc điều tra mà ông được cho là người “hưởng lợi”.
Trong khi đó, trong bức thư sa thải gởi tới ông Comey hôm 9-5, Tổng thống Trump chỉ có một chút đề cập khá mơ hồ về cuộc điều tra của FBI liên quan tới Nga: "Dù tôi vô cùng đánh giá cao việc anh đã thông báo cho tôi, trong 3 lần khác nhau, rằng tôi không nằm trong diện điều tra, tôi vẫn đồng tình với kết luận của Bộ Tư pháp rằng anh không đủ khả năng để lãnh đạo cục".
Ông còn nhấn mạnh thêm rằng: "Chúng ta cần tìm lãnh đạo mới cho FBI để khôi phục niềm tin của công chúng vào sứ mệnh hành pháp quan trọng của cơ quan này".
Nhiệm kỳ của ông Comey bắt đầu từ tháng 9-2013 sau khi ông được bổ nhiệm dưới thời của chính quyền tổng thống Barack Obama. Ảnh: Bloomberg
Với sự ra đi của ông Comey, ghế Giám đốc FBI cũng đã có người thay thế, ít nhất là trong tạm thời, là Phó giám đốc FBI Andrew McCabe. Tuy nhiên, ông McCabe hẳn là không đời nào nhận được sự chấp nhận chính trị của ông Trump cũng như đội ngũ lãnh đạo của Nhà Trắng, theo Bloomberg.
Ông McCabe từng bị “soi” hồi năm ngoái khi ông này đảm trách việc giám sát cuộc điều tra bê bối email của bà Clinton trong khi vợ của ông lại nhận tiền quyên góp từ các tổ chức chính trị Dân chủ trong một chiến dịch tranh cử vị trí thượng nghị sĩ bang Virginia vào năm 2015.
Cuộc tranh cử về sau đã không thành công. FBI lúc bấy giờ đã ra tuyên bố nói rõ rằng ông McCabe không giữ vai trò gì trong chiến dịch tranh cử của vợ và cũng không tham gia gây quỹ hay hỗ trợ dưới bất cứ hình thức nào.
Nhiều ánh mắt bây giờ sẽ đổ dồn vào đề cử của Tổng thống Trump cho người tiếp quản “ghế nóng” của FBI. Quan điểm của nhân vật này về cuộc điều tra cáo buộc liên hệ giữa đội của ông Trump với Nga trong chiến dịch bầu cử năm ngoái sẽ là điều được quan tâm nhất.
Bình luận (0)