Sách trắng quốc phòng của Nhật Bản được phê duyệt sau khi Hạ viện nước này hồi tuần trước thông qua dự luật cho phép quân đội Nhật Bản lần đầu tiên được tham chiến ở nước ngoài kể từ Thế chiến II.
Văn kiện trên cho biết Tokyo tiếp tục phản đối và chỉ trích hành động đơn phương của Bắc Kinh ở biển Đông và kêu gọi Bắc Kinh ngừng cải tạo đất trái phép tại đó. Đáng chú ý là sách trắng này lần đầu tiên đăng hình ảnh vệ tinh về những đảo nhân tạo phi pháp mà Trung Quốc cho xây dựng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nhật Bản cũng lo ngại việc Trung Quốc sử dụng tiền đồn quân sự trang bị radar ở biển Hoa Đông – nơi hai nước đang tranh cãi về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ảnh chụp Trung Quốc đang cải tạo trái phép đá Vành Khăn tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters
Trong khi Tokyo tìm cách mở rộng vai trò ở biển Đông, Bắc Kinh đã nhắc nhở chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe về cam kết thời hậu chiến của Nhật Bản đối với “con đường phát triển hòa bình”. Trung Quốc cũng tức giận vì Nhật Bản công khai chỉ trích hoạt động cải tạo trái phép của họ ở biển Đông, dù Tokyo không liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở đó.
Tuy nhiên, Tokyo lo ngại các tiền đồn quân sự của Bắc Kinh ở biển Đông sẽ giúp nước này tăng cường kiểm soát tuyến hàng hải quan trọng, với giao thương mỗi năm đạt mức 5 ngàn tỉ USD, trong đó có nhiều tàu buôn đến và đi từ Nhật Bản.
Cũng trong ngày 21-7, hãng tin Bloomberg cho biết Trung Quốc đã lên tiếng phản đối chuyến bay giám sát do chiếc P-8A Poseidon của quân đội Mỹ thực hiện vào cuối tuần rồi ở biển Đông. Đô đốc Scott Swift, tân Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cũng có mặt trên chuyến bay này.
Theo tờ Nhân dân Nhật báo, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cáo buộc tàu và máy bay quân sự Mỹ triển khai hoạt động giám sát thường xuyên, trên phạm vi rộng và gần các khu vực nước này tuyên bố chủ quyền ở biển Đông trong một thời gian dài, làm tổn hại nghiêm trọng sự tin tưởng lẫn nhau cũng như lợi ích an ninh của Trung Quốc. Các hành động của Washington, theo Bắc Kinh, dễ gây ra các vụ tai nạn trên biển hoặc trên bầu trời.
Trước đó, ngày 22-5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố họ có quyền giám sát hải phận và không phận liên quan ở biển Đông nhằm ngăn chặn tai nạn xảy ra và các tình huống làm tổn hại an ninh lãnh thổ của mình. Bắc Kinh cũng từng xua đuổi một chiếc P-8 của Mỹ chở phóng viên đài CNN bay trên các đảo nhân tạo ở biển Đông.
Bình luận (0)