“Núi Salak thẳng đứng, không an toàn cho những chuyến bay quảng bá” - ông Gerry Soejatman phát biểu trên Jakarta Globe ngày 10-5. Từng bay đến núi Salak và Gede để vẽ bản đồ, ông Gerry cho rằng các phi công đến từ Nga lẽ ra nên tránh các lộ trình bay ở vùng núi Indonesia.
Indonesia vẫn đang nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân. Ảnh: Reuters
Ông Gerry cũng cho rằng chiếc SSJ-100 nên bay ở độ cao tối thiểu là 3.353 m mới giữ được khoảng cách an toàn với ngọn Salak cao 2.211 m.
“Tôi nghe nói phi công xin hạ độ cao từ 3.000 m xuống 1.800 m. Có lẽ họ yêu cầu như vậy vì chưa quen với thời tiết ở khu vực trên. Thời điểm bay ở Indonesia rất quan trọng. Buổi sáng trời trong, cuối buổi sáng bắt đầu gợn mây. Đầu giờ chiều, mây sẽ dồn lên nhanh chóng, chỉ có bay trên 6.000 m mới không vấn đề gì” – ông Gerry nói. Cũng theo ông Gerry, chiếc SSJ-100 đã lao vào núi chứ không hề bị rơi.
Theo Jakarta Post, nhiễu loạn không khí và thời tiết không ổn định đã góp phần gây ra 6 tai nạn máy bay ở vùng núi Salak gần đây. Trước khi SSJ-100 gặp nạn, một chiếc máy bay huấn luyện đã rơi gần làng Cibunar, phía tây bắc núi Salak, làm 3 người chết.
Trước đó, vào tháng 6-2008, máy bay của Không quân Indonesia cũng rơi tại đây, 18 người thiệt mạng. Lần lượt vào tháng 10-2002, tháng 10-2003, tháng 4-2004, tháng 6-2004, máy bay rơi ở Salak làm chết tổng cộng 15 người.
Thân nhân đau đớn khi hay tin không có dấu hiệu nào của hành khách sống sót. Ảnh: Reuters
Ngay cả thân nhân người gặp nạn cũng chỉ trích quyết định chọn núi Salak vào lộ trình. Ông Erwin Kamil Jatnika, thân nhân của hành khách Erwin Sofyan, trách cứ: “Tôi là cư dân của thành phố Bogor. Tôi khá rõ khu vực núi Salak, rất khó để tìm kiếm nạn nhân tại đây nếu chẳng may bị rơi máy bay. Sao lại bay qua Salak? Đó đâu phải là lộ trình phù hợp để bay thử nghiệm”.
Bình luận (0)