Ngoài một số thợ săn chuyên nghiệp, không ít người dân nghèo bị hấp dẫn bởi giá trị của da và thịt cá sấu. "Cá sấu cỡ nào tôi cũng đều bắt được, nơi nào săn được tôi cũng đều biết cả. Tôi sinh sống bằng công việc này mà" - một người tên Mahmoud, chuyên săn cá sấu quanh TP Aswan, thổ lộ với tạp chí National Geographic.
Đối với cá sấu nhỏ, họ sử dụng thuyền để dồn chúng vào những chỗ nước cạn, rồi thò tay xuống bắt. Trong trường hợp cá sấu có kích thước trung bình, dài bằng chiếc thuyền kayak (hơn 0,5 m), người ta bắt chúng bằng những dây thòng lọng thép gai.
Còn khi mục tiêu là những con quái vật dài từ 5 m trở lên, với chiếc đuôi như ngọn roi gai, 2 hàm răng lởm chởm, lúc nào cũng như muốn ăn tươi nuốt sống kẻ thù, thợ săn dùng đèn pha làm cho chúng bị lóa mắt, vướng vào lưới, sau đó khuất phục chúng bằng một phát súng vào dưới bụng.
Số lượng cá sấu ở Ai Cập giảm mạnh trong những năm gần đây do nạn săn trộm Ảnh: EGYPTIANOASIS.NET
Theo lời Mahmoud, cá sấu đang bị buôn lậu ra nước ngoài với số lượng nhiều kỷ lục - khoảng 3.500 trứng, cá sấu con và vài trăm cá sấu trưởng thành mỗi năm. Cuộc khảo sát quy mô lớn trong 2 năm 2008-2009 của chính phủ Ai Cập ước tính nước này khi đó có 6.000-30.000 cá sấu.
Dù vậy, giới chức môi trường địa phương thừa nhận số lượng loài vật này đã giảm mạnh tại khu vực được tiến hành nghiên cứu - khoảng 90 km ven hồ Nasser. "Số lượng cá sấu vào năm 2012 đã giảm một nửa so với 2008-2009, sau đó tiếp tục giảm trong giai đoạn 2015-2016" - nhà nghiên cứu Amr Hady, thuộc Cơ quan Môi trường Ai Cập, đánh giá.
Các chuyên gia lên tiếng cảnh báo môi trường sẽ bị tổn hại nếu như cá sấu sông Nile biến mất khỏi hồ Nasser. Loại bò sát này đóng vai trò then chốt trong hệ sinh thái ở hồ Nasser thông qua việc ăn cá chết, côn trùng, các loài gặm nhấm và các loài xâm lấn. Hơn nữa, một phần di sản của Ai Cập cũng sẽ biến mất cùng với con vật này. Ông Salima Ikram, chuyên gia tại Trường ĐH Mỹ ở Cairo, cho biết cá sấu từng là biểu tượng của Ai Cập thời xa xưa.
Hành vi săn cá sấu sông Nile ở Ai Cập hiện bị xem là phi pháp. Thế nhưng, vì sinh kế và có thể vì thiếu hiểu biết về bảo vệ môi trường, người ta vẫn săn cá sấu như một nguồn sống. Còn một lý do nữa, ngư dân cho rằng cá sấu là nguyên nhân khiến cá ở hồ Nasser ngày càng ít hơn và nhỏ hơn nên họ giết cá sấu để trả thù.
"Người ta luôn làm những gì phải làm để tồn tại - họ kiếm tiền ở nơi nào có thể" - thợ săn cá sấu tên Abdelhalim Tolba quả quyết. Anh ước tính mỗi năm, người thân trong gia đình anh bắt được ít nhất 500 con cá sấu từ hồ Nasser. Trong khi đó, nhiều cư dân ở bờ Tây sông Nile đã và đang nuôi cá sấu trái phép để thu hút khách du lịch. Ở một số nhà nghỉ và khách sạn, đội ngũ nhân viên đôi khi còn tặng khách những con cá sấu mới nở làm quà.
Bình luận (0)