Hai chuyện liên quan là phụ nữ trên bán đảo Triều Tiên bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản và người dân trên bán đảo bị đưa sang Nhật Bản cưỡng bức lao động.
Phía Nhật Bản biện luận vấn đề bồi thường cho các nạn nhân liên quan đã được giải quyết trong thỏa thuận về thiết lập quan hệ ngoại giao hồi năm 1965 giữa hai nước. Nhưng những nạn nhân ở Hàn Quốc không chấp nhận. 15 người trong số ấy khởi kiện hai công ty Nhật Bản là Mitsubishi Heavy Industries và Nippon Steel tới tận tòa án tối cao ở Hàn Quốc và được xử thắng kiện.
Phía Nhật Bản phản đối và trả đũa bằng biện pháp hạn chế xuất khẩu nguyên vật liệu cần thiết cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Hàn Quốc. Hàn Quốc đưa chuyện xung khắc thương mại này ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Quan hệ giữa hai nước căng thẳng và trì trệ mặc dù cả hai đều trong liên minh quân sự chiến lược truyền thống với Mỹ và phải ứng phó thách thức an ninh từ phía CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan tại thủ đô Phnom Penh - Campuchia hôm 13-11-2022 Ảnh: EPA-EFE/YONHAP
Mấu chốt của vướng mắc hiện tại là chính phủ Nhật Bản cự tuyệt việc xin lỗi chính thức và bồi thường. Hôm 6-3, chính phủ Hàn Quốc chủ động đề xuất ý tưởng giải pháp cho vấn đề này. Theo đó, Hàn Quốc lập một quỹ tài chính bồi thường với đóng góp của những công ty Hàn Quốc đã được nhận tiền bồi thường của Nhật Bản hồi năm 1965 và của giới kinh tế tư nhân trên cơ sở tự nguyện.
Đương nhiên, chính phủ Hàn Quốc kêu gọi chính phủ và các công ty Nhật Bản đóng góp tài chính cho quỹ này. Đồng thời, Hàn Quốc rút lại chuyện kiện tụng Nhật Bản ở WTO. Đổi lại, Nhật Bản chấm dứt hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Cả Mỹ và Nhật Bản đều hoan nghênh sáng kiến này của Hàn Quốc. Tuy nhiên, Tokyo không đề cập gì tới việc chính thức xin lỗi và đóng góp tài chính cho quỹ bồi thường.
Dù có gọi động thái mới nói trên của chính phủ Hàn Quốc là sáng kiến thì thực chất vẫn là phía Hàn Quốc tự bồi thường để cải thiện quan hệ song phương với Nhật Bản.
Nó cho thấy Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol rất coi trọng và rất quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ với Nhật Bản. Chắc nhà lãnh đạo này nhận thức rằng việc thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản hiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với an nguy và tương lai của Hàn Quốc.
Hòa giải với Tokyo thì Hàn Quốc mới có thể phát huy được tối đa hiệu ứng thực tế của liên minh quân sự chiến lược truyền thống ba bên với Mỹ và Nhật Bản, mới có thể đối phó hiệu quả các thách thức nói trên. Hóa giải bất đồng và tăng cường quan hệ hợp tác với Nhật Bản cũng giúp Seoul có thể cùng Tokyo tạo thành một cặp bài trùng trong tham gia tiến trình đang diễn ra ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Cách tiếp cận rất thực tiễn và thức thời nhưng sáng kiến nói trên lại thiên lệch về thể hiện thiện chí trong khi tính khả thi lại chỉ hạn chế và có phần khiên cưỡng trong bản chất. Nó có thể giải quyết được khía cạnh bồi thường tài chính nhưng chưa bảo đảm là khía cạnh pháp lý liên quan rồi sẽ được phía Nhật Bản xử lý thỏa đáng.
Bình luận (0)