Xưa nay kim cương được coi là biểu tượng của tình yêu và dâng hiến, nhưng một lớp bụi kim cương nằm dưới mặt đất mới phát hiện gần đây ở một số vùng Bắc Mỹ cho thấy nó còn là một câu chuyện ly kỳ và khủng khiếp: Câu chuyện về lửa, nước và hủy diệt.
Bụi kim cương – còn gọi là nano kim cương nhỏ cực kỳ, chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi - hình thành trong điều kiện nhiệt độ và áp suất cực kỳ cao do sự va chạm của những vật thể ngoài hành tinh như sao chổi hay thiên thạch. Nó đã được tìm thấy trong các trầm tích cổ xưa ở Murray Springs (bang Arizona), Bull Creek (bang Oklahoma), Gainey (bang Michigan), Topper (bang South Carolina) và Lake Hind, Manitoba, Alberta ở Canada. Con người cũng có thể tạo ra nano kim cương bằng cách gây nổ cực mạnh hoặc bằng cách tác động với hóa chất bay hơi, nhưng nano kim cương vừa kể được các nhà khoa học Mỹ xác định là chứng tích của một vụ sao chổi va chạm trái đất.
Chứng cứ mới
Sau vụ va chạm thiên thạch khủng khiếp cách đây 65 triệu năm khiến các loài khủng long tuyệt chủng với những chứng tích là các hố thiên thạch và xương khủng long hóa thạch, một vụ va chạm nghiêm trọng do sao chổi chứa carbon và hơi nước cách đây gần 13.000 năm tiêu diệt loài voi Ma-mút và voi Mastodon là một giả thuyết được 26 nhà khoa học Mỹ thuộc 16 cơ sở khoa học đề xướng hồi năm ngoái.
Việc phát hiện lớp bụi kim cương kể trên được công bố trên tạp chí Science (Khoa học) Mỹ số đề ngày 2-1-2009 đã củng cố giả thuyết trên. James P. Kennett, nhà cổ hải dương học thuộc Trường Đại học Oregon, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định: “Không có cách nào khác diễn giải sự hiện diện của hàng tỉ hạt nano kim cương tập trung trong những trầm tích có liên quan đến thời kỳ băng giá 1.300 năm có tên gọi là Younger Dryas ngoài một vụ va chạm với thiên thể khác”.
Theo giả thuyết trên, sau khi va chạm, sao chổi bể từng mảnh gây ra những cơn bão lửa khắp vùng Bắc Mỹ, đốt cháy đồng cỏ và rừng, tạo ra những đám mây khói dày đặc. Sức nóng tỏa ra từ những vụ nổ cháy làm tan chảy một phần quan trọng sông băng Laurentide ở Canada, gây ra lũ lụt ở Mississippi và dồn một lượng nước khổng lồ ra vịnh Mexico. Nó đảo ngược các dòng hải lưu kèm theo hiện tượng khí hậu băng giá bao trùm cả thế giới.
Bao vây bởi lửa và băng giá, khoảng 35 loài thú Bắc Mỹ, trong đó có lạc đà Mỹ, gấu mặt ngắn, hải ly khổng lồ, sói dữ và sư tử Mỹ... hoặc bị hủy diệt hoặc còn quá ít và sau đó tuyệt chủng do các thợ săn. Nhóm thổ dân cổ với nền văn hóa Clovis cũng tàn lụi theo vì còn quá ít người trong hai trăm năm.
Văn hóa Clovis của thổ dân cổ thời tiền sử sống bằng nghề săn bắn và hái lượm hoa quả ở Bắc Mỹ hình thành cách đây gần 13.000 năm. Tên này được đặt ra dựa theo dụng cụ săn bắn tìm được cùng với bộ xương voi Ma-mút phát hiện lần đầu ở Clovis, bang New Mexico, năm 1926. Những cuộc nghiên cứu sau này cho thấy văn hóa Clovis hiện diện trên khắp đất nước Mỹ, Mexico và Trung Mỹ. Nền văn hóa này đã từng biến mất một cách bí ẩn ở nhiều vùng hàng trăm năm. Theo ông Kennett, điều này chỉ có thể giải thích với giả thuyết sao chổi quét của nhóm 26 nhà khoa học của ông.
Hồi năm ngoái, ông Kennett và các đồng nghiệp từng báo cáo rằng họ đã phát hiện địa tầng đen, đo bằng sóng carbon, có niên đại 12.900 năm ở 10 điểm khảo cổ. Ngoài vết tích của quần thể thực vật, các địa tầng này còn có irridium, những hạt carbon chứa helium-3 là những thứ đặc biệt chỉ có sau một vụ thiên thể chạm mặt đất.
5 dạng nano kim cương
Phát hiện sự hiện diện của hàng tỉ viên nano kim cương mới đây là một bằng chứng mới cho giả thuyết của nhóm Kennett. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác phản biện rằng bấy nhiêu chứng cứ chưa đủ sức thuyết phục, nhất là không có hố thiên thạch nào liên quan đến vụ va chạm này, nếu có. Hơn nữa, bài báo của ông Kennett chỉ dài có một trang cho nên thiếu những dữ liệu thuyết phục.
Nhà vật lý học Tyrone Daulton thuộc Trường Đại học Washington nhận xét: “Nano kim cương có thể là một chất chỉ thị tốt của một vụ va chạm thiên thể nhưng sau khi đọc bài báo, tôi nghi ngờ việc họ tìm thấy lớp bụi kim cương. Có thể họ tìm thấy nhưng cũng có thể là họ không tìm thấy”.
Nhà khảo cổ Kennett thừa nhận rằng với một trang báo không thể đưa vào đầy đủ các dữ liệu. Nhưng ông khẳng định rằng sự hiện diện của ít nhất 5 dạng nano kim cương đã được ba phòng thí nghiệm khoa học khác nhau xác nhận.
Kỷ lục gia săn sao chổi
Nhà thiên văn Ý Andrea Boattini đã trở thành kỷ lục gia thế giới săn sao chổi khi ông tìm thấy một sao chổi mới trong mùa lễ Giáng sinh vừa qua. Đó là ngôi sao chổi thứ bảy ông tìm thấy trong năm 2008. Sao chổi này mang ký hiệu kỹ thuật C/2008 và theo truyền thống, nó đã được đặt theo tên người phát hiện: Sao chổi Boattini. Với thành tích nói trên, Boattini đã vượt qua hai kỷ lục gia Francesco De Vito và Giovanni Battista Donati, cũng đều là người Ý. Hai nhà thiên văn này sống cách đây 150 năm, từng săn được 6 sao chổi trong một năm. Boattini, năm nay 39 tuổi, làm việc tại đài thiên văn Mount Lemmon ở Arizona, Mỹ. Ông đã phát hiện nó vào đêm 22-12-2008 trong lúc quan sát vùng có những sao chổi và hành tinh có thể va quệt trái đất trên đường đi của nó. Công trình nghiên cứu của Boattini và các đồng sự nhận được sự tài trợ của NASA (Cơ quan Không gian Mỹ). Công trình này nằm trong khuôn khổ chương trình quan sát bầu trời Catalina của Trường Đại học Arizona chuyên tìm hiểu những thiên thể bay gần trái đất. Từ khi mới vào nghề đến nay, Boattini đã phát hiện được tổng cộng 170 hành tinh nhỏ. Năm vừa qua, ông nổi tiếng sau khi phát hiện một thiên thể bay gần mặt trời nhất. Boattini là chuyên gia về sao chổi, hành tinh nhỏ và những vật thể gần trái đất (NEO). |
Bình luận (0)