Vào năm 2000, sau khi bỏ học nghề, ông Ding về làm cho công ty của gia đình, chuyên bán các sản phẩm như dụng cụ mở nắp chai, bu lông, đai ốc... Thông qua mạng internet, ông ta kiếm được vài đơn hàng khá béo bở dù không có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng.
Tuy nhiên, do chi phí gia tăng và thị trường cạnh tranh khốc liệt nên Ding quyết định lập công ty tài chính Anhui Yucheng. Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử thúc đẩy ông này thiết lập nền tảng tài chính trực tuyến hoạt động theo mô hình vay vốn ngang hàng, bắt chước mô hình lừa đảo đa cấp Ponzi nổi tiếng ở Mỹ.
Nghi phạm Ding Ning sa lưới pháp luật Ảnh: CCTV
Vào tháng 7-2014, Công ty Ezubao của họ Ding ra đời và trang web của công ty này liệt kê hàng loạt dự án, trong đó 95% là dự án “ma”, để kêu gọi các nhà đầu tư đại lục cấp vốn. Trong khoảng 1,5 năm, hơn 900.000 người rót tiền cho Ezubao vì tin vào cam kết nhận được lãi suất hằng năm từ 9%-14,6%. Sau đó, Ding và đồng bọn lấy tiền của các nhà đầu tư mới để trả cả gốc lẫn lãi cho người cũ và tiếp tục vòng quay lừa đảo cho đến khi bị phát hiện.
Để dụ dỗ “con mồi”, Ding hứa hẹn sẽ sử dụng và quản lý tiền của họ chặt chẽ. Bên cạnh việc chăm chỉ tham gia các sự kiện công cộng, tổ chức diễn thuyết và xuất hiện trên báo chí để chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh, Ding còn yêu cầu tất cả nhân viên mặc quần áo hàng hiệu và đeo trang sức đắt tiền để tạo lòng tin.
Thậm chí, ông ta biến nữ giám đốc điều hành của Ezubao, cô Zhang Min, thành bộ mặt của công ty khi để cô xuất hiện trong các bức ảnh cùng rất nhiều quà tặng giá trị, bao gồm một biệt thự ở Singapore trị giá 130 triệu nhân dân tệ, một chiếc nhẫn kim cương màu hồng 12 triệu nhân dân tệ và 550 triệu nhân dân tệ tiền mặt.
Dù vậy, “sự nghiệp” lừa đảo của Ding cũng đến hồi kết khi ông này cùng 20 người khác sa lưới pháp luật. Theo Tân Hoa Xã ngày 1-2, tất cả tài sản của Ezubao và các công ty liên kết bị đóng băng và tịch thu. Sắp tới, ông ta phải ra tòa với các cáo buộc gây quỹ và sở hữu súng bất hợp pháp.
Bình luận (0)