Mật nghị bầu vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo bắt đầu diễn ra chiều 12-3 (giờ địa phương). Đài phát thanh Vatican thông báo khoảng 5.600 nhà báo với hàng trăm ống kính của các cơ quan truyền thông khắp thế giới hướng về phía ống khói đặt trên mái nhà nguyện Sistine, chờ đợi kết quả cuộc mật nghị.
Phương thức chặt chẽ, phức tạp
Trước đó, ngày 11-3, các công nhân đã treo bức màn đỏ che cánh cửa sổ ở đền thờ St. Peter, nơi thế giới sẽ nhìn thấy tân giáo hoàng lần đầu tiên sau khi ông được bầu. Theo dự báo, mật nghị lần này có thể sẽ tiến hành trong vài ngày vì hiện không có hồng y nào đặc biệt nổi trội.
Người phát ngôn Vatican, linh mục Federico Lombardi, cho biết các hồng y - kể cả các hồng y không tham gia mật nghị - tham dự thánh lễ vào lúc 10 giờ (16 giờ ngày 12-3 tại Việt Nam) ở Vương cung Thánh đường St. Peter, do Hồng y Angelo Sodano, Chủ tịch Hồng y đoàn, nhân vật không tham gia mật nghị vì đã quá 80 tuổi, làm chủ tế. Các giáo dân cũng được phép tham dự thánh lễ này.
Cửa sổ Vương cung Thánh đường St. Peter, nơi tân giáo hoàng xuất hiện. Ảnh: EPA
Đến chiều, các hồng y được rước sang nhà nguyện Sistine. Ngoài các hồng y cử tri còn có những người khác nữa tham dự đám rước, được phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Tại nhà nguyện Sistine, sau khi các hồng y cử tri tuyên thệ giữ bí mật, Đức ông Guido Marini, người dẫn chương trình, sẽ hô lớn mệnh lệnh bằng tiếng Latin: “Extra omnes” (“Tất cả người ngoài đi ra”) và cánh cửa nhà nguyện khép lại.
Từ lúc này, các hồng y cử tri từ 48 quốc gia sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Theo hãng tin Reuters, họ bị cấm tiếp xúc với mọi người, ngoại trừ đội ngũ nhân viên phục vụ của Vatican trong suốt thời gian diễn ra mật nghị. Những người này cũng đã phải thề giữ bí mật. Ngoài ra, Vatican cũng áp dụng các biện pháp công nghệ cao để bảo đảm bí mật tuyệt đối cho cuộc mật nghị.
Mọi người bên ngoài chỉ trông chờ vào tín hiệu khói bay lên từ ống khói trên mái nhà nguyện để nhận biết kết quả cuộc bầu cử. Sau mỗi vòng bỏ phiếu, các phiếu bầu được đốt đi để tạo ra tín hiệu báo hiệu cho mọi người bên ngoài biết.
Theo linh mục Lombardi, trong cuộc mật nghị gần nhất vào năm 2005, tín hiệu khói đầu tiên bay ra lúc 20 giờ 4 phút (tức 2 giờ 4 phút sáng hôm sau, theo giờ Việt Nam). Ông cho rằng lần này, làn khói đầu tiên cũng có thể bay ra vào khoảng thời gian trên.
Nếu khói đen bay ra từ nhà nguyện Sistine, đó là dấu hiệu cho thấy chưa bầu được tân giáo hoàng. Vào các ngày hôm sau, phiếu bầu sẽ được đốt vào khoảng 12 giờ (18 giờ Việt Nam) sau 2 vòng bỏ phiếu buổi sáng và khoảng 19 giờ (1 giờ sáng hôm sau giờ Việt Nam) sau 2 vòng bỏ phiếu buổi chiều. Làn khói bay ra sẽ đổi thành màu trắng nếu như đã bầu được tân giáo hoàng.
Có thể kéo dài
Truyền thống của việc tổ chức mật nghị có từ thế kỷ XIII khi các hồng y bị một đám đông người dân thành phố nổi giận nhốt trong cung điện giáo hoàng ở Viterbo gần Rome bởi vì họ mất quá nhiều thời gian để thực hiện cuộc bầu cử của mình. Khi đó, cuộc mật nghị kéo dài gần 3 năm. Kể từ đó, các nguyên tắc đã được sửa đổi và mật nghị kéo dài nhất diễn ra vào năm 1922 chỉ với 5 ngày.
Trong cuộc mật nghị lần này, nếu đến ngày 15-3 mà chưa bầu được tân giáo hoàng, các hồng y sẽ dành hẳn một ngày 16-3 để cầu nguyện và suy ngẫm trước khi nối lại cuộc bỏ phiếu. Theo quy định của Giáo hoàng John Paul II và điều khoản sửa đổi do Giáo hoàng Benedict XVI ban hành, một giáo hoàng được bầu chọn khi đạt được 2/3 số phiếu của hồng y cử tri (lần này là 77 phiếu), đồng thời bản thân vị này phải chấp nhận điều đó.
Sau đó, tân giáo hoàng sẽ được hỏi xem ông muốn lấy tước hiệu là gì. Sau câu trả lời này, một chức sắc của giáo hội sẽ công bố bằng tiếng Latin trên ban công Vương cung Thánh đường St. Peter: “Chúng ta có giáo hoàng”. Người này cũng thông báo tên của vị được bầu cũng như tước hiệu ông đã chọn.
Hồng y Joseph Ratzinger từng được cho là ứng viên tiềm năng nhất tại cuộc mật nghị năm 2005 và sau đó đã trở thành Giáo hoàng Benedict XVI sau 4 vòng bỏ phiếu. Tuy nhiên, theo đài BBC, cuộc bầu chọn vị kế nhiệm ông có thể sẽ kéo dài hơn. Sau 10 hội nghị tiền mật nghị của các hồng y, vẫn chưa có ai thực sự nổi trội trong số các hồng y cử tri.
“Lần trước, chúng tôi từng thấy một con người có uy tín gấp nhiều lần các hồng y khác. Lần này, tình hình đã khác... Phải chờ đến khi có kết quả vòng bỏ phiếu đầu tiên vậy” - Hồng y Philippe Barbarin, người Pháp, nói.
Bình luận (0)