Sử dụng thang đo mức độ cô đơn của Trường ĐH California, Los Angeles (UCLA), Công ty Bảo hiểm sức khỏe Cigna (Mỹ) tiến hành một cuộc khảo sát trực tuyến với sự tham gia của 20.000 người khắp nước Mỹ và gần 50% trong số này nói rằng họ cảm thấy cô đơn.
Cụ thể, 54% người tham gia nói họ luôn luôn hoặc đôi khi, có cảm giác không ai hiểu rõ họ. 56% cho rằng họ đôi khi hoặc luôn luôn cảm thấy lạc lõng giữa mọi người xung quanh. 40% người khẳng định họ cảm thấy "bị cô lập" , "thiếu bạn bè" và "các mối quan hệ của họ không có ý nghĩa".
Sự lạc lõng của một người vô gia cư trên đường phố Chicago - Mỹ Ảnh: Belt Magazine
Điều đáng lo là cô đơn không chỉ đơn thuần là cảm giác buồn chán diễn ra trong chốc lát. Với nhiều người, theo nghiên cứu trong những năm gần đây, cô đơn giống như một cơn đau dai dẳng, để lại những hậu quả nguy hiểm.
Chuyên gia tâm lý Julianne Holt-Lunstad, đến từ Trường ĐH Brigham Young (Mỹ), cho rằng cô đơn không những làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, đột quỵ mà còn gây ảnh hưởng xấu đến gien, hệ miễn dịch và thậm chí là quá trình phục hồi ung thư vú. Nghiêm trọng hơn, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy cô đơn làm tăng nguy cơ tử vong sớm, cả với người lớn tuổi lẫn người trẻ tuổi.
Khảo sát của Cigna còn ghi nhận điều bất ngờ: Người trẻ tuổi hơn lại cảm thấy cô đơn hơn so với người lớn tuổi. Điểm số cô đơn của thế hệ Z - những người sinh ra trong giai đoạn từ giữa những năm 1990 đến đầu những năm 2000 - là 48,3. Trong khi đó, mức độ này ở thế hệ Vĩ đại nhất (người 72 tuổi trở lên) chỉ là 38,6.
Bình luận (0)