Nhiệt độ tăng khắp thế giới do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm kéo dài mùa hè của muỗi, khiến các bệnh truyền nhiễm từ vật trung gian truyền bệnh này như sốt xuất huyết, Zika... lan rộng.
Dự đoán ổ dịch
Một nhóm nghiên cứu thuộc Trường ĐH Stanford (Mỹ) mới đây đã nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với các bệnh do muỗi gây ra và từ đó có thể giúp dự đoán sự lây lan của dịch bệnh.
Bà Erin Mordecai, người đứng đầu nghiên cứu trên, nói với trang Stanford News (Mỹ): "Dịch sốt xuất huyết đã tăng lên trong vài thập kỷ qua, do đó chúng tôi đang cố tìm hiểu nguyên nhân của sự gia tăng này và mối liên hệ giữa sự lây lan sốt xuất huyết và khí hậu".
Ảnh chụp một khe nứt khổng lồ ở thềm băng Larsen C tại Nam Cực hồi tháng 10-2016 Ảnh: AP
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiệt độ tăng có thể ảnh hưởng đến thời gian muỗi nhiễm virus, vòng đời của virus và tần suất muỗi đốt. Họ nhận thấy tỉ lệ muỗi lây truyền virus gây bệnh cao nhất trong điều kiện nhiệt độ 29 độ C và con số này giảm khi nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn. Bằng cách này, con người có thể dự đoán và ngăn ngừa sự bùng phát của các loại virus do muỗi lây truyền trong tương lai.
Bà Mordecai cho biết những dự đoán như vậy đặc biệt hữu ích ở các khu vực đô thị, nơi có nhiều nguồn nước tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản. Các nhà nghiên cứu hy vọng công trình của họ có thể cho phép người dân có thời gian chuẩn bị đối phó với các đợt bùng phát dịch bệnh tiềm tàng.
Nỗi lo về tác động của biến đổi khí hậu đối với bệnh tật không chỉ dừng lại ở đó. Tình trạng toàn cầu ấm dần lên đang khiến những lớp băng có tuổi thọ hàng ngàn năm tan chảy, đe dọa làm hồi sinh nhiều vi khuẩn, virus nguy hiểm bị chôn vùi lâu nay.
"Băng vĩnh cửu có khả năng "bảo quản" vi khuẩn, virus rất tốt vì nó lạnh, không có ôxy và tối. Nhiều virus gây bệnh ở người và động vật, kể cả các loại từng gây ra dịch bệnh khủng khiếp trên toàn cầu, có thể đang được bảo vệ bên dưới các lớp băng vĩnh cửu" - nhà sinh học tiến hóa Jean-Michel Claverie tại Trường ĐH Aix-Marseille (Pháp) nhận định với đài BBC.
Đại dịch chực chờ
Trong một nghiên cứu vào năm 2011, 2 nhà khoa học Boris Revich và Marina Podolnaya cũng từng lên tiếng cảnh báo: "Hậu quả khi băng vĩnh cửu tan chảy là nhiều căn bệnh chết chóc ở thế kỷ XVIII và XIX sẽ quay trở lại, đặc biệt là tại nơi chôn các nạn nhân của những căn bệnh này".
Cảnh báo này không phải là không có cơ sở bởi vào tháng 8-2016, một cậu bé 12 tuổi ở bán đảo Yamal thuộc Vòng Bắc Cực, nơi nhiệt độ đang tăng nhanh, đã tử vong và ít nhất 20 người nhập viện vì nhiễm bệnh than.
Một giả thuyết được đưa ra là hơn 75 năm trước, một con tuần lộc chết vì bệnh than và xác của nó bị đóng băng. Đến mùa hè năm 2016, nhiệt độ cao khiến lớp băng tan chảy và phát tán vi khuẩn than vào nguồn nước và đất ở khu vực lân cận, sau đó nhiễm vào thực phẩm. Hơn 2.000 con tuần lộc được chăn thả gần đó bị nhiễm bệnh, sau đó còn xuất hiện một số ca mắc bệnh than ở người.
Người dân và thú vật bị chôn vùi trong băng vĩnh cửu nhiều thế kỷ nên nguy cơ những virus, vi khuẩn nguy hiểm khác được giải thoát không phải quá xa vời. Chẳng hạn các nhà khoa học phát hiện ra loại virus cúm Tây Ban Nha hoành hành năm 1918 trong những xác chết được chôn ở những ngôi mộ tập thể tại lãnh nguyên Alaska.
Trong khi đó, virus đậu mùa và dịch hạch cũng có thể đang "ngủ đông" ở Siberia. Vào những năm 1890, một thị trấn ở khu vực này mất tới 40% dân số vì bệnh đậu mùa. Thi thể các nạn nhân sau đó bị chôn dưới lớp băng vĩnh cửu ở bờ sông Kolyma. Hiện nước lũ từ sông Kolyma cộng với băng tan đã bắt đầu làm xói mòn bờ sông này.
Hồi sinh sau 32.000 năm đóng băng
Trong một cuộc nghiên cứu vào năm 2005, các nhà khoa học Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã hồi sinh thành công loại vi khuẩn vùi mình dưới lớp băng sâu ở bang Alaska trong 32.000 năm. Khi băng được làm tan trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu nhận thấy vi khuẩn có tên là Carnobacterium pleistocenium này cử động, dường như không hề hấn gì sau từng ấy năm bị "nhốt" trong băng.
Bình luận (0)