Trong nhiều năm trở lại đây, những căn bệnh lây lan như dịch hạch và đậu mùa không còn là nỗi ám ảnh đối với nhân loại nhờ y tế hiện đại và tiêu chuẩn sống được nâng cao.
Tuy nhiên, nhân loại ngày nay đang đối mặt với nguy cơ nhiều loại vi khuẩn, virus chết chóc từng hoành hành vào nhiều thế kỷ trước quay lại do biến khổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu khiến nhiều lớp băng có tuổi thọ hàng ngàn năm tan chảy, qua đó "giải thoát" nhiều vi khuẩn và virus đang bị "phong tỏa". Những vi khuẩn và virus vốn "lạ lẫm" với con người này đang dần được hồi sinh.
"Băng vĩnh cửu có khả năng "giam giữ" vi khuẩn và virus rất tốt vì nó lạnh, tối và không có oxy. Nhiều virus gây bệnh ở người và động vật, kể cả các loại từng gây ra dịch bệnh khủng khiếp trên toàn cầu, có thể đang nằm im dưới các lớp băng vĩnh cửu’ - nhà sinh học tiến hóa Jean-Michel Claverie tại Trường ĐH Aix-Marseille (Pháp) nhận định.
Trong một nghiên cứu tiến hành năm 2011, hai nhà khoa học Boris Revich và Marina Podolnaya cảnh báo: "Hậu quả khi băng vĩnh cửu tan chảy là nhiều căn bệnh chết chóc ở thế kỷ XVIII và XIX sẽ quay lại, đặc biệt là tại những khu vực chôn nạn nhân của những căn bệnh này".
Băng đang tan ra do biến đổi khí hậu. Ảnh: BBC
Cách đây không lâu, vào tháng 8-2016, một cậu bé 12 tuổi đến từ bán đảo Yamal thuộc Vòng Bắc Cực tử vong vì nhiễm bệnh than, theo BBC. Giả thiết được đưa ra là hơn 75 năm trước, một con tuần lộc chết vì bệnh than và xác của nó bị đóng băng. Do tác động của biến đổi khí hậu nên vào mùa hè 2016, lớp băng tan chảy và giải thoát cho vi khuẩn than.
Ước tính còn hàng triệu con tuần lộc đóng băng có thể mang trong mình vi khuẩn than. Trong bối cảnh nhiệt độ ngày càng nóng lên làm tan chảy băng, các nhà khoa học lo sợ rằng sẽ còn nhiều trường hợp đau lòng tương tự xảy ra.
Ở lãnh nguyên Alaska, các nhà khoa học đã phát hiện ra một virus bệnh cúm Tây Ban Nha còn nguyên vẹn có từ năm 1918. Chúng nằm trong những bộ xương đóng băng bị chôn vùi dưới đất.
Nhiệt độ ở Vòng Bắc Cực đang tăng nhanh chóng, gấp 3 lần so với những nơi khác trên trái đất. Các loại vi khuẩn và virus chết chóc đang chờ thời cơ để "thức tỉnh".
Vào tháng 8-2016, một cậu bé 12 tuổi đến từ bán đảo Yamal thuộc Vòng Bắc cực qua đời vì nhiễm khuẩn than nghi xuất phát từ xác tuần lộc. Ảnh: BBC
Nhiều vi khuẩn gây bệnh đáng sợ như dịch hạch, thường được gọi là Cái chết Đen, hoặc bệnh đậu mùa nhiều khả năng cũng đang bị băng "giam giữ".
Giới khoa học nhận định chúng nhiều có thể ở Siberia. Một ngôi làng tại đây mất gần 40% dân số vì dịch hạch trong những năm 1890. Nhiều thi thể đóng băng bị chôn vùi tại một khu vực gần sông. Những bãi cát của con sông này đang bị xói mòn trong khi trái đất nóng lên từng ngày.
Vào năm 2016, một bé trai 10 tuổi bị nhiễm dịch hạch sau khi lột da một con sóc marmot ở Siberia.
Vi khuẩn than có thể tồn tại hàng thập kỷ. Ảnh: BBC
Bình luận (0)