Nhiều câu hỏi được đặt ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh không kích một căn cứ không quân do quân đội Syria kiểm soát hôm 7-4 nhằm đáp trả cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học 3 ngày trước đó.
Phản ứng bốc đồng?
Một trong số đó là liệu hành động đó có hợp pháp? Hoặc đó có phải là phản ứng bốc đồng, không liên quan gì đến chiến lược lớn hơn để giải quyết tình hình phức tạp ở Syria? Quốc gia Trung Đông này không chỉ bị tàn phá bởi cuộc nội chiến mà còn cả cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy ông Trump suy nghĩ thấu đáo về những tác động của cuộc không kích hoặc hình dung bước đi tiếp theo.
Theo tờ The New York Times, quyết định lần này của ông Trump có thể xem là đi ngược lại chiến lược “nước Mỹ trên hết” mà ông theo đuổi nhằm tránh vướng vào các cuộc xung đột ở nước ngoài. Giải thích việc thay đổi thái độ với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Tổng thống Mỹ nói ông rất xúc động trước hình ảnh các nạn nhân vụ tấn công hóa học là trẻ em.
Tuy nhiên, cũng có người thắc mắc tại sao ông Trump trước đó không có cảm giác tương tự đối với 400.000 người Syria thiệt mạng kể từ khi chiến tranh nổ ra vào năm 2011 hoặc trước hàng ngàn người tị nạn Syria mà ông đang cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Một câu hỏi khác: Cuộc không kích mang lại kết quả gì? Ngoài một căn cứ không quân bị tàn phá, 59 tên lửa hành trình Tomahawk có thể khiến ông Assad thấy việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ không bị bỏ qua. Dù vậy, nhà lãnh đạo Syria vẫn “còn vũ khí hóa học” và cuộc nội chiến không biết bao giờ mới kết thúc.
Căng với Nga, Iran
Cuộc không kích đe dọa làm gia tăng hơn nữa căng thẳng với Nga và khiến ông Trump khó đạt mục tiêu cải thiện mối quan hệ song phương này. Theo báo The New York Times, sau vụ không kích, Moscow đã hứa hẹn giúp Damascus cải thiện khả năng phòng không cũng như tạm ngừng thỏa thuận chia sẻ với Washington thông tin các chuyến bay quân sự trên bầu trời Syria. Điều này dẫn đến chỉ trích của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson dù ông sắp có chuyến thăm Nga vào tuần tới.
Căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Iran cũng xuất hiện. Giới chức Iran tố Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế và cáo buộc ông Trump “cùng phe” với IS và mạng lưới al-Qaeda ở Syria. Nhiều nhà phân tích Trung Đông cho biết Iran có thể tăng cường hỗ trợ quân sự cho chế độ ông Assad trong những tháng tới sau khi đã phái hàng ngàn tay súng Shiite đến Syria kể từ khi nội chiến nổ ra năm 2011.
Phớt lờ những rủi ro trên, chính quyền ông Trump cảnh báo sẽ tiếp tục có hành động quân sự tại Syria nếu cần. “Mỹ đã có một bước đi rất cân nhắc. Chúng tôi sẵn sàng làm nhiều hơn song hy vọng điều đó là không cần thiết” - Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Nikki Haley cảnh báo tại phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ hôm 7-4 (giờ New York). Bà Haley cho biết thêm giờ là lúc bước sang một giai đoạn mới: Tìm giải pháp chính trị cho cuộc “xung đột khủng khiếp” ở Syria.
Bất chấp những phát biểu cứng rắn, các chuyên gia cho rằng tình hình cơ bản sẽ không có gì thay đổi bởi sự thiếu vắng một chính sách sâu rộng và tốt hơn dành cho cuộc xung đột ở Syria. “Cuộc không kích chỉ là phản ứng chứ không phải là sự thay đổi về mặt chiến lược của Mỹ tại Syria. Mục tiêu chiến lược lâu nay là IS và điều đó sẽ không thay đổi trừ khi tác động từ vụ không kích khiến Mỹ can dự nhiều hơn vào tình hình Syria hoặc ông Assad có hành động buộc Mỹ tiếp tục ra tay” - ông Sarhang Hamasaeed, Giám đốc phụ trách chương trình Trung Đông tại Viện Hòa bình Mỹ, nhận định.
Bình luận (0)