Bắc Kinh đối mặt với những bước lùi lớn tại biển Đông sau phán quyết của PCA bác bỏ hoàn toàn “đường lưỡi bò” do nước này đơn phương vẽ ra. Ảnh: Reuters
Các chuyên gia cấp cao của CSIS cho rằng phản ứng của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc nước này có bao nhiêu khoảng trống để tiếp tục vùng vẫy ở biển Đông sau phán quyết, cũng như phản ứng của Philippines, Mỹ và các bên khác. Trước mắt, Trung Quốc có thể không lập tức hành động gì hơn ngoài công khai bác bỏ phán quyết của PCA.
Với vai trò chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh G-20 vào đầu tháng 9 tới cũng như nhận được lời đề nghị đàm phán về xuống thang căng thẳng và chia sẻ tài nguyên từ tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Trung Quốc tạm thời có thể sẽ đáp trả một cách kiềm chế. Nếu vậy, đây sẽ là một cơ hội quan trọng cho đối thoại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phán quyết của PCA đưa ra hôm 12-7 đã chống lại hoàn toàn những lý luận cốt lõi của Trung Quốc từ trước đến nay vẫn dùng trong tiếp cận về vấn đề biển Đông, Bắc Kinh có thể cảm thấy bắt buộc phải tỏ ra không nao núng khi đối mặt với những chiến dịch phản đối tuyên bố chủ quyền hung hăng của họ.
Sự không ngừng bồi lấn, cải tạo đất và leo thang của Trung Quốc ở biển Đông trong suốt 2 năm qua cũng phần nào cho thấy nước này sẽ phản ứng với phán quyết PCA bằng cách leo thang tranh chấp. Theo CSIS, cách hành xử đó của Trung Quốc có thể gọi là trả đũa Manila và việc Trung Quốc từ chối phán quyết cũng như không tham gia vụ kiện với Philippines cũng nhằm can ngăn những nước khác theo bước chân Philippines. Đồng thời điều đó phát đi thông điệp là Trung Quốc sẽ không bị ràng buộc bởi phán quyết! “Những bước đi này có thể xảy ra trong vài tháng nữa, sau Thượng đỉnh G20, nhưng cũng có thể sớm hơn” – Chuyên gia CSIS nhận định.
Một hành động trả đũa khác cũng có khả năng xảy ra là Trung Quốc có thể xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough. Bắc Kinh đã không giấu giếm dã tâm cải tạo đất tại Scarborough từ hồi tháng 3 song vấp phải những tín hiệu phản đối mạnh mẽ từ Washington, trong đó có việc mở rộng hoạt động của tàu sân bay USS John C. Stennis trong khu vực, tuần tra gần bãi cạn này bằng máy bay A-10 Warthogs triển khai tới Căn cứ Không quân Clark. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter đều đưa ra những cảnh báo cứng rắn.
Bãi cạn Scarborough chỉ cách Manila 185 hải lý và ở gần cửa eo biển Luzon chia cách Philippines và Đài Loan. Thế nên việc Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự ở đây sẽ là hành động không thể chấp nhận được với cả Manila và Washington. Việc cải tạo đất ở đây cũng sẽ phải trả giá đắt cả về mặt kinh tế lẫn ngoại giao mà Trung Quốc cũng không hẳn sẵn sàng hứng chịu.
Thậm chí, tình hình có thể leo thang hơn nữa – dù kịch bản này ít khả năng xảy ra, Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách phong tỏa lực lượng thủy quân lục chiến Philippines đồn trú trên tàu BRP Sierra Madre tại Bãi Cỏ Mây. Tàu Trung Quốc đã ngăn chặn tiếp tế tới khu vực này hồi đầu năm 2014, buộc Philippines phải tiếp tế bằng đường hàng không. Thậm chí Philippines sau đó đã dùng cách chở các nhà báo quốc tế và trong nước trên một con tàu dân sự chạy ra khu vực bị phong tỏa và các tàu Trung Quốc rút lui. Một cuộc phong tỏa mới có thể dẫn đến bạo lực, và sẽ vấp phải phản ứng quân sự trực tiếp từ Mỹ theo hiệp ước phòng thủ chung với Philippines.
Một kịch bản trả đũa nữa từ Trung Quốc có thể xảy ra là nước này có thể triển khai luân phiên các chiến đấu cơ ra các cơ sở trên các đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn. Bắc Kinh đã xây dựng đường băng trên cả 3 đá này và thậm chí trên đá Chữ Thập, còn có cả nhà chứa máy bay. Từ đó, Bắc Kinh có thể tiến tới một bước leo thang cực kỳ là nghiêm trọng là tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở biển Đông.
Những nhận định trên được được ra bởi nhóm chuyên gia của CSIS bao gồm Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á Gregory B. Poling, Phó chủ tịch khu vực châu Á và Nhật Bản của CSIS, chuyên gia về Đối ngoại của đại học Georgetown Edmund A. Walsh, cố vấn cấp cao – phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á của CSIS Murray Hiebert…
Bình luận (0)