“Hội nghị các nhà lãnh ASEM không phải là nơi thích hợp để bàn về tình hình biển Đông. Không có kế hoạch nào bàn về nó trong chương trình nghị sự và cũng không nên được đưa vào” - Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Khổng Huyễn Hữu, cho biết tại cuộc họp báo ngày 11-7.
Ông này cho rằng nếu có căng thẳng tại biển Đông thì đó là do một số nước ngoài khu vực tìm cách phô trương lực lượng và can thiệp vào tình hình nơi này. “Không có lý do gì để đưa vấn đề biển Đông vào ASEM lần này. Những nỗi lo về tự do hàng hải và lợi ích an ninh không có căn cứ để đứng vững” - trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc nói.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao nước ngoài tại Bắc Kinh có tham gia công tác chuẩn bị cho ASEM nói rằng khó có thể tránh khỏi chuyện thảo luận những tranh chấp trên biển Đông tại hội nghị này.
Tàu Trung Quốc xuất hiện gần bãi cạn Scarborough Ảnh: AP
ASEM sẽ là sự kiện ngoại giao lớn đầu tiên sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan dự kiến ngày 12-7 ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Hội nghị diễn ra 2 năm 1 lần này là nơi các nhà lãnh đạo Á - Âu gặp gỡ để thảo luận những vấn đề giữa hai châu lục.
Dự kiến, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Đức Angela Merkel dự hội nghị ASEM sắp tới.
Mỹ đã thực thi chiến dịch bảo vệ tự do tuần tra hải gần các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở biển Đông, khiến Bắc Kinh nóng mặt. Trung Quốc nhiều lần đổ lỗi cho Mỹ gây thêm rắc rối ở biển Đông trong lúc leo thang củng cố hiện diện quân sự ở đó.
Báo chí Trung Quốc tăng nhiệt
Cùng ngày 17-11, tờ Nhân dân Nhật báo đăng lên trang nhất bài xã luận cáo buộc Mỹ lợi dụng vụ kiện của Philippines để ngăn Trung Quốc trỗi dậy, với mong muôn tiếp tục làm bá chủ khu vực.
Bái xã luận tái khẳng định luận điệu xưa nay của Trung Quốc là bác bỏ tính hợp pháp của phiên tòa PCA. "Rõ ràng trong vấn đề biển Đông, Trung Quốc không phải thủ phạm mà là nạn nhân" - bài báo viết tiếp.
China Daily ngày 11-7 cũng nhấn mạnh: "Dù bị xử thắng thay thua, Trung Quốc cũng không bị ảnh hưởng bơi phán quyết bởi PCA không có quyền xét xử vấn đề này".
Ông Ashley Townshend, một học giả Trường ĐH Sydney, nhận định phán quyết của PCA sẽ là "phép thử quan trọng" về tính nghiêm minh của luật pháp quốc tế tại biển Đông và cũng cho thấy mức độ sẵn sàng tuân thủ luật pháp quốc tế của Trung Quốc đến đâu.
"Bắc Kinh sẽ phản ứng với những lời lẽ mạnh mẽ và có thể sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự trên các đảo nhân tạo. Tuy nhiên, họ chỉ phô diễn sức mạnh chứ không hành động một cách nguy hiểm" - ông Townshend đánh giá.
Tuy nhiên, các chuyên gia khác ngờ rằng Trung Quốc sẽ phản ứng dữ dội hơn, bao gồm việc tuyên bố lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) tại biển Đông hoặc tăng tốc xây dựng các đảo nhân tạo trong khu vực.
Bình luận (0)